Dạy trẻ về ý thức trách nhiệm
Ý thức trách nhiệm là điều mà bất kì ai cũng cần phải có. Muốn dạy cho trẻ về ý thức trách nhiệm, cha mẹ phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhặt thường ngày. Ngay từ khi còn nhỏ, bạn nên để bé tự mình làm những việc mà bé có thể làm được, không cần cha mẹ giúp đỡ, ví dụ như gấp quần áo, thu dọn đồ chơi, xếp gọn chăn gối khi thức dậy vào buổi sáng.
Lớn hơn một chút, bạn có thể hướng dẫn bé cách rửa bát, quét dọn nhà cửa. Giao việc quét dọn hoặc rửa bát cho bé, để bé hiểu đó là trách nhiệm của mình. Đây là một cách rất hay để rèn cho con tinh thần trách nhiệm. Nếu bé làm tốt, hãy dành cho bé những lời khen hoặc phần thưởng khích lệ. Nếu làm chưa tốt, hãy động viên bé thử lại một lần nữa, cho đến khi nào làm tốt mới thôi.
Hãy lấy ví dụ chỉ cho bé thấy tác hại của thói bất cẩn, thậm chí đôi lúc hãy để bé tự ‘gánh hậu quả’ từ những việc làm cẩu thả của mình. Khi bé hiểu được sự bất lợi mà thói quen xấu đó mang lại, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, tự bản thân bé cũng sẽ muốn thay đổi và nỗ lực để thay đổi.
Phụ huynh hãy giữ cho không gian sống gọn gàng để bé ý thức được lợi ích của việc ngăn nắp (Ảnh: Internet)
Giúp trẻ hình thành thói quen ngăn nắp, gọn gàng
Thói cẩu thả của bé cũng thể hiện ở rất nhiều phương diện trong cuộc sống. Nếu sống trong một ngôi nhà lúc nào cũng bừa bộn thì việc bé có thói quen không cẩn thận, qua loa đại khái cũng là chuyện dễ hiểu. Vì vậy các bậc phụ huynh hãy giữ cho không gian sống gọn gàng, sạch sẽ để bé dần dần ý thức được lợi ích của việc sống ngăn nắp và làm việc có thứ tự. Trong cuộc sống thường ngày, hãy dạy trẻ phải tự bảo quản tốt đồ dùng cá nhân của mình, không chỉ là dụng cụ học tập mà còn có quần áo, giày dép. Dần dần bé cũng sẽ tập thành thói quen gọn gàng, cẩn thận trong học tập, ví dụ như bài hôm nay không để đến ngày mai, làm xong bài phải kiểm tra lại kĩ càng…
Dùng phương pháp khác nhau để rèn sự tỉ mỉ cho trẻ
Những trò chơi yêu cầu mắt quan sát và tư duy phán đoán như trò ‘tìm điểm khác nhau’ cũng là một cách thú vị để nâng cao khả năng tập trung và bồi dưỡng sự tỉ mỉ cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể khuyến khích bé làm những việc cần đến sự tỉ mỉ như thêu thùa, may vá… để rèn luyện tính cẩn thận. Hãy nhớ, muốn sửa đổi tính cẩu thả của bé, cách tốt nhất là khiến bé kỹ lưỡng hơn, chu đáo hơn trong từng hành động.
Cha mẹ làm gương
Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có đủ quyết tâm và sự nhẫn nại. Ngay từ bây giờ, hãy thay đổi tác phong làm việc và các thói quen xấu của mình. Lấy bản thân làm gương cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giúp trẻ hình thành nên những đức tính tốt. Nếu cha mẹ lúc nào cũng nóng vội thì sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành thói quen của trẻ. Muốn trẻ nghe lời và sửa thói cẩu thả thì trước hết hãy chứng minh mình là một người cẩn thận, bạn nhé!
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!