Ở nước ta, tuổi dậy thì của các bạn gái hiện nay thường là 11-12 tuổi, sớm hơn 1-2 năm so với cách đây vài chục năm về trước (trường hợp 17-18 tuổi mới có kinh lần đầu vẫn được coi là bình thường).
Trước đây, nhiều bạn gái đã rất sợ hãi trong kỳ kinh đầu tiên khi thấy máu chảy qua đường sinh dục. Nhưng hiện nay nhờ những thông tin khoa học về sự biến đổi sinh lý của lứa tuổi dậy thì được phổ biến khá rộng rãi trong trường học và cộng đồng nên tâm lý sợ hãi hầu như không còn nữa.
Tuy nhiên vẫn còn không ít bạn gái chưa hiểu gì nhiều về đặc điểm kinh nguyệt của tuổi vị thành niên và do không có kinh nghiệm, nhiều bạn còn rất lúng túng không biết điều gì cần phải làm khi bắt đầu có kinh nguyệt.
Đặc điểm kinh nguyệt của tuổi vị thành niên
Cũng như kinh nguyệt của phụ nữ trưởng thành, kinh nguyệt của tuổi vị thành niên là hiện tượng máu chảy từ tử cung ra ngoài do niêm mạc tử cung bị bong theo chu kỳ dưới ảnh hưởng của các hoóc môn.
Kinh nguyệt ở tuổi vị thành niên cũng có chu kỳ tùy theo từng cá thể, từ 22 ngày - 35 ngày. (Chu kỳ kinh là khoảng thời gian từ ngày đầu của kỳ kinh này đến ngày cuối cùng trước khi có kinh lần sau).
Thời gian ra máu mỗi kỳ kinh tối đa là 1 tuần. Lượng máu kinh ở ngày ra nhiều nhất thấm ướt từ 3 đến 5 băng vệ sinh. Thông thường ngày đầu máu kinh ra ít, ngày thứ 2 máu ra nhiều hơn; những ngày sau ít dần và hết hẳn (thường nói là 'sạch').
Dưới đây là một số tình trạng kinh nguyệt bất thường hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt mà người phụ nữ ở lứa tuổi nào cũng có thể gặp:
- Dậy thì sớm: Khi tuổi có kinh lần đầu dưới 10 tuổi.
- Dậy thì muộn: Khi tuổi có kinh lần đầu quá 18.
- Kinh ngắn: Khi số ngày có kinh chỉ 1-2 ngày.
- Kinh kéo dài hay 'rong kinh': Khi thời gian kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
- Kinh mau: Khi chu kỳ kinh ngắn, dưới 22 ngày.
- Kinh thưa: Khi chu kỳ kinh kéo dài trên 35 ngày.
- Kinh nguyệt không đều: Khi các lần thấy kinh có chu kỳ không cố định, khi ngắn, khi dài.
- Đau bụng kinh (hay thống kinh): Bình thường trong những ngày có kinh người phụ nữ chỉ có cảm giác tức nhẹ ở bụng dưới, không đau, nhưng khi thống kinh thì có cơn đau rõ ràng, có khi đau quặn, ảnh hưởng nhiều đến công việc hoặc học hành.
- Băng kinh: Tình trạng máu kinh ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây thiếu máu trầm trọng.
- Vô kinh: Tình trạng không có kinh, có thể nguyên phát khi đã quá 18 tuổi vẫn chưa có kinh; có thể thứ phát sau khi đã có kinh vài tháng rồi liên tiếp nhiều tháng sau không có kinh lại nữa.
- Mãn kinh sớm: Khi người phụ nữ không còn kinh do buồng trứng suy tàn không cung cấp hoóc môn cho cơ thể nữa. Hiện nay tuổi mãn kinh của phụ nữ trung bình từ 48 - 50. Mãn kinh sớm là khi không còn kinh từ tuổi 40.
- Mãn kinh muộn: Trên 50 tuổi vẫn còn kinh.
Đối với lứa tuổi vị thành niên, rối loạn kinh nguyệt hay gặp hơn cả là các dạng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rong kinh và băng kinh.
Tại sao vị thành niên gái hay bị rối loạn kinh nguyệt?
Người ta cho rằng ở lứa tuổi đang lớn nhanh của các bạn gái vị thành niên, sự phát triển về cơ thể nhanh chóng, mạnh mẽ nhưng sự phát triển, điều hòa về thần kinh và thể dịch ở các em lại không theo kịp.
Vì thế lứa tuổi này thường có kinh nguyệt không đều trong một hai năm; đến khi cơ thể thực sự thì kinh nguyệt sẽ bình thường và ổn định như hầu hết các phụ nữ trưởng thành khác.
Vệ sinh như thế nào?
- Trước hết cần hiểu biết kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường, người con gái nào cũng phải trải qua để sẵn sàng đón nhận nó, không sợ hãi, lo lắng khi lần đầu tiên thấy chảy máu từ bộ phận sinh dục.
- Thông báo cho mẹ hay chị gái lớn để nhận được lời giải thích và lời khuyên cần thiết.
- Trong những ngày có kinh, cần giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt vệ sinh bộ phận sinh dục bằng cách đóng băng vệ sinh và thường xuyên thay băng khi máu thấm nhiều.
- Mỗi lần thay băng cần phải rửa sạch bộ phận sinh dục bên ngoài bằng nước sạch và dung dịch vệ sinh; không được xịt nước hoặc cho ngón tay vào rửa bên trong.
- Cần chú ý rửa bộ phận sinh dục trước rồi mới chuyển sang rửa vùng hậu môn.
Lưu ý: Không bao giờ dùng tay đã rửa ở phía sau (phía hậu môn) để rửa vùng sinh dục phía trước nhằm tránh đưa vi khuẩn vào vùng sinh dục.
- Nên dùng vòi tia nước hay gáo dội, không nên rửa bằng cách ngâm trong chậu.
- Sau khi rửa dùng khăn sạch thấm khô rồi mới đóng khăn vệ sinh mới.
Hiện nay, một số bạn dùng loại băng vệ sinh đặt sâu trong âm đạo để cuộn băng hút máu và dịch, sẽ thuận tiện hơn vì máu không chảy ra ngoài và ít bị vướng. Nhưng cần hết sức cẩn thận nếu không rút ra thay kịp thời hoặc bỏ quên trong đó.
- Trong những ngày có kinh, nên làm việc nhẹ, không tập các môn thể thao nặng nề, không bơi lội, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tinh thần thanh thản, không lo nghĩ.
- Nếu đau bụng dưới nhẹ thì chỉ cần nằm nghỉ khi đau, có thể chườm ấm vùng bụng dưới. Nếu đau nhiều, thực sự khó chịu thì có thể uống 1-2 viên thuốc giảm đau loại paracetamol (mỗi viên 500mg) nhưng tốt nhất là nên đi khám để thầy thuốc chọn loại thuốc phù hợp nhất.
BS. Phó Đức Nhuận
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!