Chẩn đoán và trị bệnh sởi theo Ðông y

Cần biết - 11/24/2024

Theo Đông y, bệnh do khí hậu thay đổi trái mùa, những người có sức khỏe yếu không chịu được thời tiết trái mùa thì dễ nhiễm bệnh.

Đông y Việt Nam có những kinh nghiệm điều trị bệnh sởi rất hay, chúng tôi xin giới thiệu để các đồng nghiệp tham khảo, kết hợp Đông - Tây y phục vụ sức khỏe nhân dân nhằm mang lại kết quả tốt hơn cho người bệnh.

Nguyên nhân sinh bệnh

Bệnh sởi Đông y gọi là “Sa tử” có nghĩa là nốt sởi mọc lên như hạt cát. Bênh thuộc loại truyền nhiễm. Bệnh thường phát sinh vào mùa đông xuân, hoặc thu đông, khi khí hậu thay đổi ở một độ ẩm nhất định thì sinh ra khí độc (vi khuẩn). Bệnh thường phát sinh ở trẻ em từ 2- 8 tuổi, cũng có trẻ lớn tuổi nhưng do cơ thể yếu nên cũng thường nhiễm bệnh. Chu kỳ của bệnh sởi không theo quy luật, có khi 5 năm, có khi 7-10 năm một chu kỳ, lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu của từng năm.

Chẩn đoán và trị bệnh sởi theo Ðông y

Hình ảnh ban sởi.

Biểu hiện: Khi mới phát trẻ có triệu chứng như cảm mạo (Đông y gọi là thương phong). Trẻ sốt, ho, có khi khó thở, chảy nước mũi trong, hắt hơi, ngáp vặt, hai mắt đỏ, có trường hợp sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Sau một hai hôm thì sốt cao, hoặc khi sốt nhiều khi sốt ít, tinh thần mệt mỏi, hay buồn bã trằn trọc, ngủ lơ mơ, nằm không yên.

Sau 3-4 ngày thì mụn sởi bắt đầu mọc, trước hết là mọc ở mặt, ngực, lưng, eo lưng rồi toàn thân và tay chân, nốt sởi như hạt vừng, có màu đỏ, lúc đầu thưa, sau mọc dày từng mảng. Sau 4-7 ngày thì bắt đầu lặn theo thứ tự, nơi mọc trước thì lặn trước, nơi mọc sau thì lặn sau. Đấy là bệnh thuộc thuận chứng, sốt bắt đầu giảm, các triệu chứng cũng theo đó mà giảm dần.

Bệnh chia ra chứng nặng và chứng nhẹ, chứng thuận và chứng nghịch. Bệnh nhân có sốt nhưng có ra mồ hôi, ho nhẹ, đại tiểu tiện bình thường, nốt sởi theo thứ tự mọc lên là chứng thuận, chứng nhẹ.

Nếu trẻ sốt cao dữ dội, không có mồ hôi, tay chân lạnh, nốt sởi mọc lên nhưng lặn vào dưới da, hoặc chỗ mọc chỗ lặn, hoặc nốt sởi mọc khắp mình nhưng trên đầu và mặt không có, ho suyễn, hai cánh mũi phập phồng, đại tiện đi như rót nước là bệnh thuộc chứng nghịch, chứng nặng.

Nếu bệnh thuộc chứng thuận chứng nhẹ khi mới phát chỉ cần dùng thuốc thanh nhiệt, phát tán, chăm sóc chu đáo tránh gió, tránh nước, không để nốt sởi lặn vào trong thì dần dần bệnh tự khỏi.

Điều trị: Khi bệnh mới phát, phải phát tán để đuổi khí độc ra ngoài, phải theo nguyên tắc chữa bệnh sởi của Hải Thượng Lãn Ông là bệnh sởi ưa dùng thuốc mát để phát biểu làm cho sởi thấu suốt ra ngoài. Nhưng cũng cần xem khí hậu lúc đó nóng lạnh thế nào, kết hợp với chứng trạng của từng bệnh nhân mà biện chứng luận trị để dùng thuốc cho đúng.

Có thể dùng bài “Tuyên độc phát biểu thang gia giảm” gồm: Bạc hà diệp 8g, phòng phong 8g, liên kiều 8g, mộc thông 6g, đạm trúc diệp 6g, cát cánh 8g, cát căn 8g, kinh giới 6g, chỉ xác 4g, tiền hồ 8g, cam thảo 4g, ngưu hoàng 6g. Nếu không có ngưu hoàng có thể thay bằng đăng tâm 4g (sinh địa 8g, chi tử 8g) để dẫn thuốc.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc chia 3 lần cho trẻ uống trước khi ăn. Khi sởi đã mọc khắp người nhưng trẻ vẫn sốt cao đó là do nhiệt độc ngăn trở bệnh không giải được.

Đều trị: Thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc: “Hóa độc thanh biểu thang”. Cát căn 12g, địa cốt bì 8g, liên kiều 8g, bạc hà 4g, cát cánh 8g, phòng phong 8g, hoàng cầm 4g, huyền sâm 8g, mộc thông 8g, hoàng liên 6g, tri mẫu 8g, cam thảo 4g, sinh địa 8g, chi tử 8g. Gia sinh khương 3 lát, đăng tâm 8g làm thang.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc chia 3 lần cho trẻ uống trong ngày, uống liên tục 3 ngày.

Khi sởi đã bay hết nhưng tân dịch bị tổn thương mà trẻ vẫn còn sốt nhẹ. Dùng bài “Sài hồ thanh nhiệt ẩm” để điều trị: Sài hồ 8g, xích thược 6g, địa cốt bì 8g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 6g, sinh địa 8g, mạch môn 8g, cam thảo 4g. Gia sinh khương 3 lát, đăng tâm 6g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày uống sau khi ăn.

Chẩn đoán và trị bệnh sởi theo Ðông y

Lá kinh giới - Một vị thuốc chữa sởi.

Một số bài thuốc tâm đắc của các lương y thế hệ trước điều trị bệnh sởi đạt kết quả tốt, i xin giới thiệu để các đồng nghiệp tham khảo như sau:

Nếu bệnh nhân ở thời kỳ đầu sốt cao, tắc mũi, sợ lạnh, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, hai mắt đỏ, nước mắt rưng rưng, hai bên má trong miệng có điểm trắng mạch phù:

Điều trị: Tán phong thanh nhiệt.

Bài thuốc: “Lương thấu nghiệm phương”. Tiền hồ 3g, kinh giới 3g, bạc hà 3g, liên kiều 6g, tây hà liễu 6g, ngưu bàng tử 6g, cúc hoa 3g, thuyền thoái 2g, tang diệp 5g, kim ngân hoa 9g, lô căn 9g. Nếu trời lạnh sởi khó mọc gia thêm: Thăng ma 6g, cát căn 6g. Nếu tay chân lạnh gia: quế chi 5g, sinh khương 2 lát. Nếu thời tiết nóng gia: hà diệp (lá sen) 5g, hoắc hương 5g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc 1.000ml nước lấy 200ml chia 4 lần cho trẻ uống trong ngày khi thuốc còn ấm.

+ Nếu thời kỳ sởi mọc bệnh nhân lại cảm thêm phong hàn hoặc do trời quá rét làm sởi mọc không được, hoặc có mọc nhưng không thấu.

Điều trị: Thấu biểu thanh phế, giáng nghịch.

Bài thuốc: “Triệu thị ma chẩn biến chứng phương”: Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sinh thạch cao 18g, lô căn 12g, bạc hà 30g, thuyền thoái 6g, hoàng cầm 6g, hạnh nhân 6g, cát cánh 6g, kinh giới tuệ 4g. Nếu bệnh nhân sốt cao khó thở, môi khô, khát nước, ngủ li bì, hôn mê, co giật gia bột linh dương giác (Sừng con dê rừng) 1g hòa với thuốc đã sắc cho bệnh nhân uống.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc với 1.000ml nước lấy 200ml cho trẻ uống 4 lần trong ngày. Sau khi dùng bài thuốc trên 3 ngày sởi bắt đầu mọc theo chiều thuận (mọc từ mặt xuống) nhưng bệnh nhân vẫn sốt cao, phiền táo khát nước, hai mắt đỏ có nhiều rỉ, nằm mê mệt đó là do sởi mọc nung nấu ở bên trong.

Điều trị: Thanh nhiệt giải độc thấu chẩn.

Bài thuốc: “Ngân kiều tán gia giảm”: Kim ngân hoa 12g, ngưu bàng tử 8g, phù bình (bèo hoa dâu) 6g, lô căn 8g, liên kiều 10g, thuyền thoái 6g, đại thanh diệp 6g.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc với 1.200ml nước lấy 300ml chia đều cho trẻ uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm, uống liên tục 3 ngày.

Nếu bệnh nhân sốt cao khát nước, có đờm, hoặc ngủ nhiều...

Điều trị: Thanh nhiệt giải độc, thanh phế trừ đờm trấn phong.

Bài thuốc: “Ma chẩn biến chứng phương”: liên kiều 10g, kim ngân hoa 10g, xuyên bối mẫu 10g, sinh thạch cao 18g, hạnh nhân 6g, thuyền thoái 4g, thiên hoa phấn 10g, đại thanh diệp 10g, sinh cam thảo 4g, mạch môn 10g. Nếu bệnh nhân đang thời kỳ sởi mọc sốt cao, co giật, khó thở gia: toàn yết 3g, câu đằng 6g, linh dương giác 6g.

Cách dùng: Ngày dùng 1 thang, uống 3 lần khi thuốc còn ấm.

Nếu bệnh nhân khí huyết kém cơ thể gầy yếu, nốt sởi mọc lên có màu trắng nhìn không rõ.

Điều trị: Giải độc tư âm hòa huyết.

Bài thuốc: “Ma chẩn biến chứng phương”: Hồng sâm 6g, hồng hoa 6g, hoàng kỳ 8g, xích thược 6g, liên kiều 10g, đương quy 6g, đan sâm 8g, nguyên tuy tử 6g, sinh cam thảo 4g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!