LTS: Trước thông tin của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về việc cấm sử dụng một số loại xà phòng diệt khuẩn và chất tẩy rửa có chứa hóa chất bất lợi cho sức khỏe, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu phải báo cáo về việc họ có hay không sử dụng 1 trong 19 hóa chất này trong thành phần sản phẩm xà phòng rửa tay tiệt trùng.
Rửa tay bằng xà phòng thường và nước vẫn là một trong những bước quan trọng nhất để phòng bệnh và ngăn bệnh lây lan. Tuy nhiên mới đây, FDA đã cấm sử dụng các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn bán tại quầy (OTC) có chứa 19 hoá chất, trong đó nổi bật nhất là chất triclosan và triclocarbon...
Chất triclosan là gì?
Triclosan là chất sát khuẩn đã được dùng từ năm 1972, được gọi là chất sát khuẩn vì triclosan có tác dụng diệt khuẩn và diệt vi nấm. Đây là hợp chất hữu cơ với công thức khá đơn giản là 5-cloro-2-(2,4-diclorophenoxy) phenol. Triclosan được dùng như là một thành phần trong các sản phẩm gia dụng như: xà bông (hàm lượng triclosan từ 0,1 - 1%), kem đánh răng, nước súc miệng, kem cạo râu, nước rửa tay, chất khử mùi (deodorants) hoặc làm chất tẩy uế dùng cho nhân viên y tế rửa tay trong phòng mổ.
Triclosan có trong chất tẩy rửa có thể làm rối loạn hoóc-môn (ảnh minh họa: Internet)
FDA xếp triclosan vào loại thuốc nhóm III - nhóm chất có độ hòa tan cao và độ thẩm thấu thấp thì triclosan cũng là một loại thuốc trừ sâu. Triclocarban là một chất hóa học phổ biến khác có trong các loại xà phòng diệt khuẩn. Rất nhiều khuyến cáo cũng như lo ngại về triclosan cũng được áp dụng cho triclocarban.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, triclosan có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn với nồng độ thấp và có thể tiêu diệt vi khuẩn với nồng độ cao. Triclosan cũng có chứa một số chất có thể chống lại nấm, thậm chí là các ký sinh trùng. Triclosan có khả năng nhắm đến mục tiêu đích là nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác nhau bằng cách ngăn chặn phạm vi hoạt động của một loại enzym cần thiết cho vi khuẩn sinh tổng hợp chất béo. Ngăn chặn loại enzym này, vi khuẩn sẽ không thể tự tổng hợp axit béo được, màng tế bào của vi khuẩn thiếu axit béo cũng sẽ không nhân lên và sinh sản được.
Tuy nhiên, có một nghiên cứu đã so sánh tác dụng diệt khuẩn của xà phòng thường và xà phòng có chứa triclosan trong điều kiện tương tự như khi chúng ta rửa tay và thấy rằng, với thời gian tiếp xúc với xà phòng là 20 giây thì 2 loại xà phòng này có tác dụng giảm vi khuẩn tương tự nhau. Nói cách khác, xà phòng diệt khuẩn cũng chỉ có tác dụng như xà phòng thường trong điều kiện rửa tay bình thường.
Ảnh hưởng đến sức khoẻ con người
Từ năm 2013, FDA đã đưa ra phán quyết dự thảo sau khi một số dữ liệu cho thấy tiếp xúc lâu dài với một số thành phần hoạt tính trong các sản phẩm diệt khuẩn - ví dụ, triclosan (trong xà phòng lỏng) và triclobarcan (trong xà phòng bánh) - có thể gây ra các nguy cơ về sức khỏe như ảnh hưởng lên hoóc-môn. Sau đó, các nhà sản xuất đã bắt đầu loại bỏ một số nguyên liệu hoạt tính khỏi các sản phẩm diệt khuẩn, bao gồm triclosan và triclocarban.
Mới đây, FDA đã đưa ra kết luận về các sản phẩm xà phòng khử khuẩn bán tại quầy (OTC) chứa một số thành phần hoạt tính sẽ không được tiếp tục bán bởi nhà sản xuất không thể chứng minh các thành phần đó an toàn để sử dụng lâu dài và có hiệu quả hơn xà phòng thường và nước trong việc phòng bệnh và chống lại sự lây lan của một số bệnh truyền nhiễm. BS. Janet Woodcock - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm và Nghiên cứu thuốc FDA cho biết: 'Người tiêu dùng thường nghĩ xà phòng diệt khuẩn có thể ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn tốt hơn, song chúng tôi không tìm ra một bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ chúng tốt hơn xà phòng thường và nước. Trên thực tế, một số dữ liệu cho thấy các thành phần diệt khuẩn đó, khi dùng một thời gian dài, sẽ gây hại nhiều hơn'.
Xà phòng diệt khuẩn dùng lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe (ảnh minh họa: Internet)
Ở Việt Nam, trước đây cũng đã có nhiều khuyến cáo về hai hoạt chất triclosan và triclocbarcan. PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức - Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, triclosan là chất có thể phá vỡ nội tiết của con người, ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng một số hoóc-môn trong cơ thể. Ngoài ảnh hưởng tới nội tiết tuyến giáp, triclosan và triclobarcan còn được các nghiên cứu trên động vật cho rằng nó ảnh hưởng trực tiếp tới hoóc-môn sinh dục nữ estrogen và hoóc-môn sinh dục nam testosteron.
Ngoài ra, triclosan có tính diệt khuẩn và nguy cơ kháng kháng sinh từ triclosan mang lại rất lớn, vì thế, các chuyên gia y tế cộng đồng đều lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của chất này triclosan không hoà tan trong nước và ở điều kiện môi trường, triclosan có thể kết hợp với clo chứa trong nước máy để tạo hợp chất chloroform (là chất có nguy cơ sinh ung thư).
Trước những thông tin của FDA về việc cấm 19 hoá chất có trong một số loại xà phòng diệt khuẩn và chất tẩy rửa, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu phải báo cáo về việc họ có hay không sử dụng 1 trong 19 hóa chất này trong thành phần sản phẩm xà phòng rửa tay diệt khuẩn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những văn bản quy định rõ việc lưu hành các sản phẩm xà phòng rửa tay. Trong quá trình lưu hành, nếu phát hiện chế phẩm không còn đảm bảo an toàn và hiệu lực hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế về hoạt chất không đảm bảo an toàn và hiệu lực, Bộ Y tế sẽ xem xét rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt việc lưu hành chế phẩm trên lãnh thổ Việt Nam.
Danh sách các chất mới bị FDA cấm trong xà phòng
- Cloflucarban
- Fluorosalan
- Hexachlorophene
- Hexylresorcinol
- Iodophors (Iodine-containing ingredients)
. Iodine complex (ammonium ether sulfate and polyoxyethylene sorbitan monolaurate); Iodine complex (phosphate ester of alkylaryloxy polyethylene glycol)
. Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine
. Poloxamer--iodine complex
. Povidone-iodine 5 to 10 percent
. Undecoylium chloride iodine complex
- Methylbenzethonium chloride
- Phenol (greater than 1.5 percent)
- Phenol (less than 1.5 percent)
- Secondary amyltricresols
- Sodium oxychlorosene
- Tribromsalan
- Triclocarban
- Triclosan
- Triple dye
>>Xem thêm: Những chất độc hại ẩn chứa trong 1 bánh xà bông
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!