Chất độc da cam: Nỗi đau còn mãi

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ngày 10/8 hàng năm được chọn là ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân.

Lịch sử kinh hoàng

Năm 1961 tổng thống Mỹ J.F.Kennedy đã ký sắc lệnh cho rải các hóa chất khai quang – diệt cỏ lên miền nam Việt Nam. Chất độc da cam (tên tiếng Anh: Agent Orange) là một loại chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam từ năm 1961-1971 với mục tiêu phá hủy rừng cây, nhằm loại bỏ lớp nguỵ trang tự nhiên của quân đội Việt Nam, hủy hoại cây trồng và nguồn lương thực của quân đội.

Trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền nam khoảng 80 triệu lít hóa chất khai quang - diệt cỏ khác nhau, trong đó có hơn 43 triệu lít chất độc màu da cam. Các hóa chất này được sản xuất và cung cấp theo đơn đặt hàng của Bộ quốc quốc phòng Mỹ với các công ty hoá chất lớn như Dow, Monsanto, Hercules, Diamond Shamrock và một số công ty hoá chất khác.

Đây được xem là cuộc chiến tranh hóa học  có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người do đế quốc Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Chất độc da cam: Nỗi đau còn mãi

Mỹ đã rải loại chất độc mà hàng trăm năm sau người Việt Nam vẫn phải gánh chịu hậu quả của nó

Hệ lụy nguy hiểm của chất độc da cam

Chất độc màu da cam có chứa dioxin, một loại độc tố kinh khủng nhất mà con người biết đến. Dioxin là chất hữu cơ cực độc, không tan trong nước và rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Cho đến nay, ước tính có khoảng 28 địa điểm vẫn còn khả năng nhiễm dioxin, gây nguy hại đến nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hủy hoại môi trường

Các chất độc hóa học được sử dụng với quy mô lớn ở Việt Nam đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái.

Quân đội Mỹ đã phun rải hóa chất lên khoảng 25% diện tích miền nam Việt Nam, trong đó 86% được rải trực tiếp lên đất rừng, 14% lên đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa. Hơn 2 triệu ha đất rừng đã bị phá hủy bởi cuộc tấn công hóa học của Mỹ.

Chất độc màu da cam có chứa dioxin, khó phân huỷ, tồn tại lâu trong môi trường, làm cho đất, nước bị nhiễm độc nặng, cây rừng, động vật bị huỷ diệt. Nhiều khu rừng bị nhiễm chất độc quá nặng, cho đến nay, cây cối không thể mọc lại.

Hậu quả đối với sức khỏe con người

Theo Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (VAVA), có hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với chất độc màu da cam trong chiến tranh và hơn 3 triệu người đã nhiễm loại chất hóa học chết người này. Tác động lâu dài của chất độc da cam không chỉ dừng lại ở 4,8 triệu người mà có thể còn nhiều hơn nữa.

Tổ chức Y tế thế giới đã phân loại dioxin là một chất gây ung thư ở người, có thể phá hỏng các hệ thống như nội tiết, miễn dịch và thần kinh trong cơ thể. Chỉ cần một liều lượng nhỏ 80g dioxin cho vào hệ thống cấp nước là đủ để tiêu diệt toàn bộ dân số một thành phố lớn khoảng 6 đến 7 triệu dân.

Nhiều công trình nghiên cứu trên động vật và trên người đã khẳng định dioxin gây nên nhiều bệnh tật nguy hiểm như ung thư, thần kinh, u não, dị tật bẩm sinh, các bệnh do rối loạn chuyển hóa, các bệnh do rối loạn sinh sản ở nữ giới như thai chết lưu, đẻ non, sảy thai,…

Nỗi đau da cam

Dù chiến tranh qua đi nhưng hàng triệu người Việt Nam và những thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam.

Hình ảnh những trẻ em dị tật, bị mù, câm, điếc, tâm thần hoặc có hình hài dị dạng tại các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình cựu chiến đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn.

Những trái tim sắt đá nhất chắc chắn sẽ không khỏi bàng hoàng khi nhìn những bức ảnh chân thực nhất về các nạn nhân chất độc da cam qua ống kính của các nhiếp ảnh gia trên thế giới.

Chất độc da cam: Nỗi đau còn mãi

Ảnh triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ghi lại các di chứng nặng nề của chất độc da cam tác động đến nhiều thế hệ, với các bệnh da liễu, nứt đốt sống, dị tật cơ thể và tâm thần

Chất độc da cam: Nỗi đau còn mãi

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Damir Sagolj lăn lội đến nhiều ngôi làng tại Việt Nam và ghi lại những bức ảnh phơi bày nỗi đau do chất độc da cam lính Hoa Kỳ rải xuống Việt Nam vẫn còn di chứng đến ngày nay

Chất độc da cam: Nỗi đau còn mãi

 Bức ảnh em Lê Thị Đạt ở Quảng Trị do nhiếp ảnh gia Anh Philip Jones Griffiths người Anh chụp lúc Đạt 13 tuổi, một trong những bức ảnh kiến tác giả xúc động nhất. Philip Jones Griffiths cũng  là nhiếp ảnh gia đầu tiên đã đưa những hình ảnh của chiến tranh và thực tế hậu quả của chất độc da cam ở Việt Nam đến với thế giới

Chất độc da cam: Nỗi đau còn mãi

Nhiều thi thể hài nhi đã chết do di chứng của chất độc da cam được lưu giữ tại cơ sở nghiên cứu của bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM (Ảnh: Philip Jones Griffiths)

Chung tay giúp đỡ cộng đồng

Trước những hậu quả nặng nề của di chứng chiến tranh để lại, trong những năm qua, các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế đã thường xuyên quan tâm, ủng hộ nạn nhân da cam, với mong muốn sẻ chia bớt khó khăn gian khổ mà họ đang gánh chịu.

Ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) chính thức được thành lập nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 25/6/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày 'Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam'.

Mùa xuân năm 2009, Tòa án công luận quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được triệu tập tại Paris. Tòa án đã kết án chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất,  yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm cho những việc làm đã qua, cả về phương diện pháp lý lẫn đạo lý.

Hơn 50 năm sau thảm họa da cam, mặc dù Chính phủ Mỹ đã từng bước tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam - dioxin tại Việt Nam, song đến nay về mặt pháp lý họ vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm gây ra hậu quả đó. Nhân loại yêu chuộng hòa bình và những người có lương tri vẫn tiếp tục giúp đõ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam vì mục tiêu đem lại công lý cho các nạn nhân và ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học.

Ảnh minh họa: Internet

Mai Hồ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!