Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về thông tin bé Nguyễn Quốc Huy, nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông bị văng khỏi bụng mẹ cách đây ít ngày và mất một bàn chân. Hiện tại các bác sĩ cho hay, sức khỏe của cháu đã ổn hơn.
Tuy nhiên, từ khi sinh ra đến nay đã được gần 3 tuần (tai nạn xảy ra ngày 25 tháng 10) nhưng do chấn thương quá nặng, cân nặng của bé Huy vẫn chỉ ở mức 3kg. Mẹ của bé không may đã tử vong ngay khi tai nạn xảy ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bé Huy sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào sữa ngoài.
Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2, thông thường sau khi sinh các bé có thể bị sụt cân sinh lý trong tuần đầu tiên, nhưng từ tuần thứ hai trẻ tăng cân rất nhanh, từ 1-1,2 kg/tháng, Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 tăng khoảng 0,6 kg/tháng và càng về sau tốc độ tăng càng chậm.
Bé Huy đang hồi phục sức khỏe nhưng vẫn chưa rõ thời gian em xuất viện (Ảnh minh họa: xaluan)
Vậy bé Huy, và các trẻ bị tai nạn liên quan đến xương khớp phải có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng thế nào cho hợp lý để có thể phát triển bình thường như những bé khác mà không gặp phải các vấn đề như còi xương hay các biến chứng từ tai nạn từ khi còn nhỏ.
Các đặc trưng của bệnh lý xương khớp ở trẻ em trước hết do chế độ dinh dưỡng, khả năng hấp thụ canxi. Bên cạnh đó còn liên quan đến cấu tạo, hoạt động và phát triển cơ thể, các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Để tránh cho trẻ sau này có các bệnh lý liên quan đến xương khớp, trước hết cần đặc biệt lưu ý đến việc cung cấp đủ vitamin D. Cần bổ sung vitamin D với hàm lượng 10mcg (hay 400UI)/ngày cho các bé sơ sinh bú mẹ, bổ sung cho tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D.
Đối với các bé sơ sinh không thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày (các bé sinh vào mùa đông), cần bổ sung vitamin D với lượng 800UI/ngày. Ngoài ra, cũng có thể cho bé ở trần để da tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời khoảng 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là từ 7-8 giờ sáng); nên để bé ở nơi kín gió, tránh để bé bị lạnh. Không cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10-14h.
Trẻ bị chấn thương xương khớp cần được bổ sung vitamin D đầy đủ (Ảnh minh họa: Internet)
Với trẻ sơ sinh, vitamin D có thể hấp thụ trực tiếp từ sữa mẹ. Các mẹ có thể chọn các các nguồn thức ăn động vật giàu vitamin D như gan cá (đặc biệt là cá thu, cá ngừ). Các loại nấm, men, rau quả có chứa ergostesrol, dưới tác động của tia cực tím cũng chuyển thành vitamin D2 có tác dụng như vitamin D3. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo cũng giúp hấp thu tốt vitamin D.
Với các bé không được bú sữa mẹ (mẹ không có sữa, hay không còn mẹ như bé Huy), hiện tại trên thị trường các sản phẩm vitamin D dạng sirô, viên nang, viên nén khá phổ biến. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng các sản phẩm này.
Khi trẻ đã tự ăn được, nên lưu ý trong các bữa ăn nên khuyến khích ăn theo cách: cá nhỏ ăn luôn xương, tôm tép ăn cả vỏ, cua đồng, sữa hoặc các chế phẩm từ sữa như sữa chua, đậu nành và sản phẩm, rau xanh...
Trẻ em đang ở lứa tuổi hiếu động, thích nô đùa chạy nhảy nên rất dễ xảy ra các tai nạn liên quan đến xương khớp. Trẻ nhỏ cấu trúc cơ thể chưa phát triển đủ, một tai nạn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Việc các bé sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm sinh lý sau này cũng hoàn toàn có thể xảy ra (hay hoảng sợ, giật mình khi ngủ, sợ qua đường, sợ độ cao…).
Việc trước mắt các bậc cha mẹ cần làm là cần động viên con vượt qua nỗi sợ hãi và khi con đã đủ lớn, hướng dẫn động viên con tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, lành mạnh phù hợp với cơ địa cũng như tính cách của trẻ để tăng độ chắc xương cũng như để tâm lý ổn định hơn.
>>> Xem thêm: Bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ đang hồi phục
Bình Tri
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!