Mắt loạn thị là mắt nhìn các vật không được rõ nét, kể cả nhìn xa và nhìn gần, các nét của vật thường nhòa vào nhau. Nguyên nhân loạn thị là do bán kính cong của giác mạc theo các kinh tuyến không đều nhau, khiến hình ảnh theo các phương hội tụ không trùng nhau trên võng mạc.
Nếu không phát hiện kịp thời các tật khúc xạ thì dễ dẫn tới hiện tượng mắt bị nhược thị, thậm chí có thể bị suy giảm thị lực vĩnh viễn. Mục tiêu của điều trị loạn thị là điều chỉnh độ cong không đồng đều gây mờ tầm nhìn. Điều trị bao gồm đeo kính để hiệu chỉnh và phẫu thuật khúc xạ.
Cách điều trị loạn thị còn tùy thuộc vào từng đối tượng: bệnh nhân có chẩn đoán loạn thị từ bao giờ, có các tật khúc xạ khác như cận thị, viễn thị đi kèm loạn thị, bệnh nhân đã được điều trị ra sao...
Ảnh minh họa
Đặc biệt, ở độ tuổi thanh thiếu niên chưa đặt ra vấn đề phẫu thuật. Thông thường, bác sĩ nhãn khoa sẽ cho bạn dùng kính thuốc để điều chỉnh khúc xạ. Đây là biện pháp chính để điều trị loạn thị.
Về chế độ dinh dưỡng, không có loại thức ăn nào là tốt nhất để chữa loạn thị. Người bị loạn thị cần có chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng: tinh bột và đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Những thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là lựa chọn tốt cho cải thiện thị lực.
Nếu trong kỳ thi thì nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ hấp thu và tiêu hóa để cung cấp năng lượng tốt hơn cho cơ thể, trong đó có đôi mắt.
Thay vì cố tìm một chế độ dinh dưỡng tối ưu, người bệnh nên chú ý đến việc giữ vệ sinh mắt. Cụ thể là giảm thời lượng nhìn gần, nhìn dưới ánh sáng nhân tạo, hạn chế sử dụng thường xuyên các thiết bị công nghệ hiện đại (ti vi, máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động)... để tránh cho mắt phải điều tiết nhiều, liên tục; tăng thêm thời gian hoạt động thể thao, vui chơi ngoài trời...
Cứ mỗi 45 - 60 phút học, xem tivi… người bệnh cần được nghỉ ngơi, nhìn ra xa khoảng 10-15 phút. Nên khám mắt định kỳ (6 tháng hoặc 1 năm 1 lần) để kiểm tra tiến triển của tật khúc xạ. Đeo kính đúng độ của mắt sẽ giúp mắt nhìn rõ ràng, tiếp thu bài học dễ hơn.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!