Chúng ta đã quá mệt mỏi với việc tiếp đồ ăn cho chúng trong lúc xem TV, phát cáu với cái thái độ 'Con là trung tâm của vũ trụ' và chán nản với việc phải treo thưởng thì chúng mới chịu đồng ý/chịu làm một việc gì đó. Tất nhiên, hầu hết bọn trẻ đều có những ngày mà chúng cảm thấy khó ở trong người, khi sẵn sàng thô lỗ quát vào mặt anh chị, cáu bẳn khi bị hỏi đến hoặc lơ đãng như thể đầu của chúng đang bay trên 9 tầng mây chứ không phải gắn trên cổ. Vào những lúc như vậy, thật khó để các bậc làm cha làm mẹ biết được đó chỉ là 'bột phát tạm thời' hay là vấn đề thực sự về tâm lý mà họ cần phải giải quyết.
Các chuyên gia tâm lý khẳng định, 'đòi hỏi' là một vấn đề phổ biến nhưng đa số phụ huynh không chịu thừa nhận. Dù cha mẹ trẻ có thu nhập ở mức nào, nhiều hay ít thì trẻ cũng có xu hướng đòi hỏi. 'Con sẽ được gì từ đó?'. Ở một khuôn khổ nào đó, chuyện ấy là chấp nhận được, vì trẻ dù sao cũng là... trẻ, chúng chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình.
Nhưng với những trẻ có đòi hỏi thái quá (mà vẫn được đáp ứng), chúng sẽ bỏ lỡ nhiều điều hay của cuộc sống, như không biết được niềm vui của thành quả, cảm giác lâng lâng khi quên mình vì người khác hoặc sự kiên nhẫn cần có để vượt qua các thử thách. Một cách vô tình, chúng tự làm hại các quan hệ và sự nghiệp của mình khi đưa ra những đòi hỏi vô lý. Hậu quả là khi trưởng thành, chúng sẽ ít có cơ hội thành công và được tôn trọng bằng những bạn bè 'biết điều' hơn. Vấn đề là làm thế nào bạn nhận biết được, con mình đỏi hỏi quá mức?
Người Mỹ có những cách rất hay để trị trẻ 'được voi đòi tiên' (Ảnh: Internet)
Triệu chứng 1: Dù đòi hỏi mà chúng đưa ra vô lý đến đâu (quà Sinh nhật là 1 chú ngựa hoặc được phép về nhà trước 1 giờ đêm), chúng cũng không thể chấp nhận câu trả lời 'Không' từ bố mẹ. Rất dễ hiểu cảm giác thất vọng của trẻ khi không nhận được điều mình muốn, nhưng nếu như bố mẹ hiếm khi lắc đầu trước mọi đòi hỏi của trẻ, hoặc khi bạn nói 'Không', trẻ sẽ phản ứng như cả thế giới đang chống lại nó, đấy là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy, con bạn cần bị từ chối nhiều hơn.
Cách chữa: Nỗi sợ lớn nhất của bố mẹ khi nói 'Không' là phản ứng xấu xí đi kèm sau đấy từ con trẻ. Hãy nói 'Có' bất cứ khi nào bạn có thể, nhưng khi không thể, đừng ngại nói ra từ đó. Hãy hé lộ trước với trẻ 'Nếu như mẹ nghe thấy con la hét, phàn nàn, mẹ sẽ chỉ phớt lờ thôi. Nhưng mẹ sẽ rất vui lòng nói chuyện với con khi con nói chuyện với mẹ với sự tôn trọng'. Khi ấy, trẻ sẽ không quá bất ngờ khi bạn rời phòng và tảng lờ trước phản ứng ầm ĩ của chúng bên trong. Hơn nữa, luôn tâm niệm trong đầu rằng việc của bạn không phải là mang đến một tuổi thơ sang chảnh liên tục cho trẻ. Hãy thư giãn và tận hưởng những niềm vui nhỏ nhất, trẻ sẽ học thói quen đó từ chính bạn.
Triệu chứng 2: Chúng luôn cần bạn giải cứu khỏi thất bại hay chứng... quên
Bạn sẽ vui lòng lấy hộ cô bé con 3 tuổi chiếc ba lô mà con để quên ở trường mẫu giáo, nhưng một cô học sinh 12 tuổi quên cặp thì sao? Không đời nào. Tương tự, việc giúp trẻ buộc dây giầy hoặc làm hộ bài tập về nhà là không thể chấp nhận được.
Việc trẻ thường xuyên quên đồ/việc và luôn cần được giúp đỡ là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của bệnh 'hay đòi hỏi'. Trẻ cảm thấy chúng đáng được bố mẹ ra tay cứu trợ trước mọi lỗi lầm dù lớn hay nhỏ và được miễn nhiễm trước mọi luật lệ. Nếu như bạn bắt đầu cảm thấy bực mình hoặc bức xúc, đã đến lúc phải để chúng tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.
Cách chữa: Nói thẳng với trẻ, 'Con đang lớn lên và có thể tự đảm đương nhiều trách nhiệm. Từ giờ trở đi, bố mẹ sẽ để con tự chịu trách nhiệm về những việc con tự làm được. Bắt đầu từ năm học này, mẹ sẽ không giải cứu con mỗi khi con quên bài tập về nhà hay đồ dùng đến trường. Mẹ hoàn toàn tự tin rằng con có thể tự lo những việc đó được'. Sau đó, hãy giúp trẻ hình dung ra cách tự đảm đương các công việc đó ra sao, chẳng hạn như lập một danh sách những thứ cần làm/kiểm tra trước khi đi ngủ.
Nếu như trẻ yêu cầu mẹ 'giúp' đổ nước quả vào cốc khi mà chúng đang đứng ngay cạnh tủ lạnh, hãy từ chối ngay và luôn (một cách lịch sự). Và đúng, chúng có thể quên bài tập về nhà trên sàn 1-2 lần, nhưng thà thế còn hơn là số lần mà chúng quên trên đường đời sau này.
Triệu chứng 3:Khi bạn yêu cầu trẻ xếp bát từ máy rửa bát/chậu rửa lên kệ, trẻ giẫy nảy lên như thể bị yêu cầu bước trên than hồng vậy.
Cách chữa: Hãy đưa ra cho trẻ những lựa chọn: Mẹ cần con hỗ trợ: hoặc là cắt nhỏ rau củ quả cho bữa tối hoặc là xếp bát từ chậu rửa/máy rửa bát lên kệ. Con thích việc nào hơn?'. Hoặc đưa ra điều kiện: 'Khi cất xong hết bát đĩa, con có thể ăn quà nhẹ sau giờ tan học, nhưng phải hoàn tất công việc xong trước 4h15'.
Và để đảm bảo rằng không ai được miễn phí thứ gì, hãy phân công trách nhiệm một cách đều đặn. Giao cho trẻ những nhiệm vụ hàng ngày hoặc hàng tuần mà chúng làm được, rồi đổi vai cho nhau để ai cũng có cơ hội cọ toilet hoặc rửa bát. Với những việc nặng, hãy đảm bảo sẽ có 'phần thưởng' để mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi làm tròn trách nhiệm của mình.
Triệu chứng 4: Dù bạn có 'cho' nhiều đến mức nào, chúng vẫn đòi thêm.
Trẻ nào thì cũng thích mua đồ. Nhưng nếu chúng thường xuyên vòi vĩnh mẹ mua cho tựa game mới nhất hay cái túi xách mốt mới thì đó lại là một câu chuyện khác. Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức không bao giờ thỏa mãn và cảm thấy đủ, và hậu quả là chúng sẽ phải đối mặt với những khó khăn tài chính sau này ra đời.
Cách chữa: Cấp cho trẻ một khoản tiêu vặt nhất định, phù hợp với lứa tuổi mỗi tuần. Đảm bảo rằng trẻ biết rõ những chi phí mà chúng phải trang trải (kẹo cao su, đi chơi với bạn, quần áo... là những khoản tiêu không-thiết-yếu). Số tiền bạn đưa chỉ vừa đủ để mua những gì cơ bản nhất, còn không thể cho phép chúng xông xênh được. Quan trọng nhất, tránh đưa thêm tiền khi tài khoản của chúng sắp cạn. Thay vào đó, hãy để cho chúng nếm trải cảnh ngồi nhà khi bạn bè đi trượt băng - chúng sẽ học được bài học đắt giá về việc không có tiền là như thế nào.
Triệu chứng 5: 'Cảm ơn' không có trong vốn từ của chúng.
Các nghiên cứu cho thấy những người dễ hàm ơn cũng là những người hạnh phúc hơn. Nếu như con của bạn không nhìn thấy được những món quà chúng được cho, tặng trong cuộc đời, từ mái ấm cho đến chiếc bánh nóng đợi chúng mỗi sáng - chúng sẽ không biết thế nào là giá trị của cuộc đời.
Cách chữa: Hãy giúp trẻ tập luyện lòng biết ơn bằng tấm gương là chính bạn. Hãy cùng cám ơn Chúa vì bữa tối khi cả nhà quây quần quanh bàn ăn, và mỗi người cùng chia sẻ 3 điều mà họ cảm thấy biết ơn trong ngày hôm đó. Hãy hào phóng với những lời cảm ơn của mình, dù đó là người thân, giáo viên hay người bán hàng, nhất là khi con trẻ đang đứng gần đó. Hãy gửi những thông điệp đích đáng bằng cách khen, đánh giá cao ai đó vì một việc mà họ đã làm. Theo thời gian, trẻ sẽ bắt chước bạn và có một thái độ 'biết ơn' cuộc sống như vậy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!