Các nhiễm khuẩn đường sinh sản gồm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các nhiễm khuẩn đường sinh sản không lây truyền qua quan hệ tình dục. Không phải các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đều là nhiễm khuẩn đường sinh sản và không phải các nhiễm khuẩn đường sinh sản nào cũng lây qua đường tình dục.
Tuy nhiên đa số các nhiễm khuẩn đường sinh sản lây truyền qua đường tình dục đều để lại hậu quả về mặt sức khỏe nặng nề hơn nhiễm khuẩn đường sinh sản không lây truyền qua đường tình dục.
Nếu hỏi bạn những người nào có thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hẳn bạn sẽ chỉ một nhóm đối tượng nào đó mà thôi. Điều này không đúng. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục không phân biệt giới tính, chủng tộc, tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi có khả năng quan hệ tình dục dễ dàng và quan hệ tình dục với nhiều người có khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với những người khác. Có cả những trường hợp oan ức khi người bệnh là người đứng đắn, chung thủy mà vẫn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục từ chồng, vợ hoặc bạn tình.
Nếu bạn cho rằng người không quan hệ tình dục không thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì sẽ là sai lầm. Bởi nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không lây qua hoạt động tình dục mà lây qua việc tiếp xúc ngoài da như bệnh Herpes sinh dục. Điều này giải thích tại sao một số người dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục mà vẫn lây bệnh.
Phần đông chị em cho rằng không cần kiểm tra nhiễm khuẩn đường sinh sản trong thời kỳ thai nghén. Tuy nhiên lại là việc làm cần thiết không thể bỏ qua. Nhiễm khuẩn đường sinh sản là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh tật và tử vong cho bà mẹ và trẻ em trong thời kỳ thai nghén và chu sinh. Một điểm nữa là nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh con, hoặc sau khi em bé được sinh ra. Bệnh lây truyền qua đường tình dục của người mẹ ảnh hưởng xấu đến thai nhi và trẻ sơ sinh, mẹ nhiễm bệnh có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai, thai lưu, sinh con nhẹ cân, nhiễm khuẩn sơ sinh... Nếu thai phụ được khám kiểm tra và điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp cho trẻ sinh ra tránh mắc những căn bệnh do lây truyền qua đường tình dục từ mẹ.
Phần đông chị em cho rằng không cần kiểm tra nhiễm khuẩn đường sinh sản trong thời kỳ thai nghén (Ảnh minh họa: Internet)
Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục không phải là bệnh miễn dịch mà bạn có thể mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục nhiều lần nếu không biết phòng tránh. Điều đó sẽ xảy ra nếu bạn chủ quan. Hãy coi lần mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục của mình là bài học nhớ đời để có biện pháp bảo vệ cho mình và cho bạn tình của mình. Hãy nhớ rằng nguy cơ tái phát bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao. Không chỉ tái phát, người bệnh còn có nguy cơ mắc thêm một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nữa. Khi đó, việc chữa trị và diễn biến của bệnh sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm là những căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của người bệnh.. Trên thế giới hàng năm có hơn 340 triệu trường hợp mới mắc bệnh lây qua đường tình dục có thể chữa được, số trường hợp nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục không chữa được còn nhiều hơn thế. Ở nước ta, mỗi năm có từ 800 nghìn đến trên 1 triệu trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc căn bệnh này. Nhiều người khi được phát hiện thì bệnh đã nặng vì họ có thể mắc một số bệnh mà không có triệu chứng trong một thời gian dài. Một người cũng có thể mắc 2 bệnh lây qua đường tình dục cùng một lúc và nếu không được điều trị, một số bệnh này có thể trở thành mãn tính. Mặt khác, một số triệu chứng của bệnh lây qua đường tình dục, như khí hư âm đạo có thể do một số nguyên nhân về sức khỏe khác, nên không nhất thiết cứ ra khí hư âm đạo nghĩa là bị mắc bệnh lây qua đường tình dục. Chính vì vậy điều quan trọng là cần phải có cán bộ y tế sàng lọc các triệu chứng.
Hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục được truyền từ người này sang người khác qua giao hợp bằng đường hậu môn, miệng và âm đạo; một số bệnh lây qua đường tình dục có thể truyền qua đường hôn (Herpes, giang mai). Một số trường hợp có thể lây bệnh qua đường tiêm hoặc truyền máu nếu máu bị nhiễm bệnh (viêm gan B, HIV, giang mai), lây trong lúc mang thai (HIV, giang mai), lây trong sinh nở (Chlamydia, sùi mào gà, lậu, viêm gan B, Herpes, HIV) hoặc lây khi cho con bú (HIV).
Có thể điều trị hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên bạn không nên tự điều trị tại nhà. Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với HIV/AIDS, Herpes hay viêm gan B, nhưng có thuốc để kìm hãm sự phát triển của bệnh.
Khi phụ nữ hoặc nam giới bị nhiễm bệnh, cần phải điều trị cho cả chồng, vợ hoặc bạn tình. Không nên quan hệ tình dục trong thời gian điều trị, nếu có thể. Dùng bao cao su là biện pháp tốt nhất để tránh các bệnh lây qua đường tình dục.
Các nhiễm khuẩn đường sinh sản thường gặp nhất
Viêm âm đạo do trực khuẩn (chỉ gặp ở phụ nữ)
Triệu chứng có thể gặp: ra khí hư có màu trắng xám.
Viêm âm đạo do nấm:
Triệu chứng ở phụ nữ: ngứa vùng âm hộ và âm đạo, khí hư trắng như sữa.
Triệu chứng ở nam giới: ngứa bao quy đầu và dương vật.
Các bệnh lây qua đường tình dục
Chlamydia (Bệnh lây qua đường tình dục thường gặp nhất)
Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, các triệu chứng có thể xuất hiện sau khoảng từ 7 đến 21 ngày, nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, một số người không có biểu hiện triệu chứng gì.
Triệu chứng ở phụ nữ: Ra khí hư, ra máu bất thường giữa các kỳ kinh, thường thấy buốt rát khi đi tiểu, đau bụng dưới, đau khi giao hợp.
Triệu chứng ở nam giới: Đi tiểu thường xuyên, thấy buốt rát khi đi tiểu, có dịch trắng hoặc vàng ở đầu dương vật, sưng hoặc đau tinh hoàn.
Biến chứng có thể xảy ra: đau bụng dưới thường xuyên, nhiễm trùng bàng quang, viêm tiểu khung, chửa ngoài tử cung, vô sinh. Triệu chứng ở trẻ sơ sinh: viêm phổi, nhiễm trùng mắt, mù.
Bệnh sùi mào gà:
Triệu chứng có thể gặp: triệu chứng giống nhau ở nam và nữ, xuất hiện từ 1- 8 tháng sau khi bị lây nhiễm: mọc mụn sần sùi ở cơ quan sinh dục và hậu môn; ngứa và rát cơ quan sinh dục và xung quanh. Mụn sùi có thể biến mất sau một thời gian nhưng sau đó lại xuất hiện lại.
Biến chứng có thể xảy ra: ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật.
Lậu:
Các triệu chứng xuất hiện từ 2 – 21 ngày sau khi bị lây nhiễm.
Triệu chứng ở phụ nữ: khí hư đặc, màu vàng, xanh vàng hoặc trắng; rát và đau khi đại tiểu tiện, ra máu âm đạo bất thường hoặc ra máu giữa các chu kỳ kinh, đau bụng.
Triệu chứng ở nam giới: chảy mủ đặc màu vàng hoặc ở đầu dương vật, đau rát khi đại tiểu tiện, tiểu khó, tiểu rắt.
Biến chứng có thể gặp: viêm tiểu khung, chửa ngoài tử cung, đẻ non, thai chết lưu, vô sinh, bệnh tim mạch, bệnh ngoài da, thấp khớp, mù.
Viêm gan B
Triệu chứng có thể gặp: biểu hiện giống nhau ở nam và nữ, xuất hiện sau 1 – 9 tháng kể từ khi bị lây nhiễm: triệu chứng giống bị cúm kéo dài, mệt mỏi, vàng da (vàng mắt/vàng da), nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu;phát ban; kém ăn, buồn nôn, nôn.
Biến chứng có thể xảy ra: suy gan, xơ gan, ung thư gan.
Herpes
Triệu chứng có thể gặp: giống nhau ở nam và nữ, xuất hiện từ 1-30 ngày sau khi lây nhiễm; cảm giác như bị cúm, có vết phồng rộp nhỏ và đau tại cơ quan sinh dục trước khi vết phồng rộp đó xuất hiện.
Biến chứng có thể xảy ra: bị Herpes dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh sùi mào gà và một số người dễ bị ung thư cổ tử cung hơn khi bị bệnh sùi mào gà. Người mẹ có thể lây Herpes cho trẻ trong khi sinh, và nếu lây ở mắt có thể dẫn đến mù mắt ở trẻ sơ sinh.
Herpes khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm bệnh sùi mào gà và một số người dễ bị ung thư cổ tử cung (Ảnh minh họa: Internet)
Nhiễm HIV
Triệu chứng có thể gặp: biểu hiện giống nhau ở nam và nữ, thường xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm kể từ khi bị lây nhiễm: sụt cân nhanh chóng và mệt mỏi không rõ nguyên nhân; biểu hiện giống cúm kéo dài; tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, ho kéo dài, có vết loét ở miệng lâu ngày không khỏi, nhiễm nấm kéo dài.
Biến chứng có thể xảy ra: mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội (dễ nhiễm các bệnh khác như nhiễm nấm, viêm phổi, lao, ung thư), AIDS, tử vong.
Viêm tiểu khung (chỉ gặp ở phụ nữ)
Hầu hết là hậu quả của bệnh lậu, Chlamydia và viêm âm đạo do vi khuẩn kị khí.
Triệu chứng có thể gặp: đau bụng dưới và đau lưng kéo dài kèm theo ra khí hư; ra máu bất thường giữa các kỳ kinh; sốt; rét run; đau khi giao hợp.
Biến chứng có thể xảy ra: chửa ngoài tử cung, đau bụng dưới thường xuyên, vô sinh.
Phòng bệnh: điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Giang mai
Triệu chứng có thể gặp: giống nhau ở nam và nữ.
* 3-12 tuần sau khi lây nhiễm: xuất hiện vết loét hơi đỏ hoặc nâu ở miệng, cơ quan sinh dục, vú và ngón tay sau đó biến mất sau 1-5 tuần.
* 1-6 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên: nổi ban khắp cơ thể, biểu hiện giống cúm như sốt nhẹ, tổn thương thần kinh, mù, tử vong.
Phòng bệnh: tránh hôn khi có xây xát ở miệng.
Trùng roi sinh dục
Triệu chứng: thời gian ủ bệnh từ 1-4 tuần sau khi bị lây nhiễm.
Triệu chứng ở phụ nữ: ngứa âm hộ và âm đạo, khí hư loãng có màu vàng xanh và có mùi hôi, đau khi chạm vào bộ phận sinh dục hoặc sinh hoạt tình dục, thường đau rát khi đi tiểu.
Triệu chứng ở nam giới: thường gặp đau rát khi đi tiểu.
Biến chứng có thể gặp: có thể dẫn đến viêm nhiễm phần sinh dục trên.
H.T
(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em duyệt, Bộ Y tế kiểm duyệt)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!