Chớ suy người lớn ra con trẻ trong việc phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Khi trời lạnh, các bậc phụ huynh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người.

Những sai lầm thường mắc

“Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc mũi - họng không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phổi.

Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng phân tích.

Chớ suy người lớn ra con trẻ trong việc phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ

Trời lạnh trẻ nhỏ dễ mắc viêm phổi.

Do đó, các thầy thuốc nhi khoa khuyên, khi trời lạnh, các bậc phụ huynh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người.

Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức khiến trẻ bị nóng bức, toát mồ hôi phía lưng, ngực. Trẻ nhỏ cũng thường hiếu động, chảy nhảy, đùa nghịch..., nếu mặc quần áo không phù hợp sẽ gây toát mồ hôi.

Lúc này nếu không kịp lau khô, nước dễ thấm ngược vào cơ thể gây viêm đường hô hấp do nhiễm lạnh. Đây là một sai lầm rất phổ biến của nhiều bố mẹ.

Do hệ thần kinh và cơ chế điều chỉnh nhiệt của trẻ chưa hoàn chỉnh như người trưởng thành nên PGS. Dũng cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên suy luận nhiệt độ của người lớn ra nhiệt độ của con.

Bên cạnh đó, việc để điều hòa nhiệt độ trong phòng còn tùy thuộc vào tuổi của trẻ, kích thước của phòng và sức làm lạnh hoặc ấm của điều hòa. Nhìn chung tuổi của trẻ càng nhỏ thì nhiệt độ phòng càng phải ấm.

Ví dụ với trẻ sơ sinh, nên để nhiệt độ phòng khoảng 30 độ C, các trẻ lớn hơn nên để nhiệt độ thấp hơn. Các trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể đặt nhiệt độ phòng khoảng 24-25 độ C.

Nhiều trẻ bị viêm phổi do bố mẹ chủ quan

Mỗi đợt không khí lạnh tràn về, Khoa Nhi tại các bệnh viện lại phải tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị viêm phổi. Điều đáng tiếc là nhiều phụ huynh không phát hiện sớm bệnh viêm phổi của con, thường chủ quan, tự mua thuốc điều trị cho bé tại nhà, đến khi vào viện thì bệnh đã trở nặng.

Theo PGS. Dũng, nếu thấy bé có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú thì cần được đưa tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị, tránh bệnh biến chứng nặng thành viêm phổi.

Cháu L.H.Q. (2,5 tháng tuổi ở Lê Duẩn, Hà Nội) bị viêm phổi chỉ sau hai ngày ho và sốt nhẹ. Chị Tuyết, mẹ cháu Q. cho biết khi 12 ngày tuổi cháu đã bị viêm phổi một lần. Gia đình cũng rất giữ gìn cho cháu nhưng không hiểu sao cháu vẫn bị viêm phổi.

Còn cháu V.N.M.K, 21 tháng tuổi cũng phải nhập viện do viêm phổi. Theo ThS.BS.Trương Văn Quý, cháu K. nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho và có dấu hiệu khó thở.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, cháu K. đã cắt sốt và không phải hỗ trợ khí dung. Và sau 7 ngày điều trị, đến hôm nay cháu đã khỏe khoắn hoàn toàn và chuẩn bị được xuất viện.

ThS.BS.Quý cho biết, trong mùa đông số trẻ phải nhập viện do viêm phổi chiếm tỉ lệ tương đối cao. Nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ là do vi khuẩn gây nên.

Để phòng tránh bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp cho trẻ trong mùa đông, các bậc phụ huynh cần phải hết sức chú ý không để cho trẻ nhiễm lạnh, đặc biệt là phải quan tâm đến môi trường sống của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh.

Mặc ấm vẫn chưa đủ để phòng bệnh

Chúng ta đừng nghĩ mùa đông chỉ cần mặc ấm cho trẻ là đủ, vì môi trường có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe trẻ nhỏ. Bởi ngoài đảm bảo không khí, nhiệt độ phù hợp thì độ ẩm cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, để phòng chống viêm phổi cho trẻ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm. Một vấn đề nữa là cần phải bảo đảm dinh dưỡng, cung cấp đủ các chất đạm, bổ sung vitamin, ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với bệnh.

Về cách giữ ấm cơ thể cho trẻ, các chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ, một số bộ phận cần phải giữ ấm là cổ và tai. Tuy nhiên, bộ phận quan trọng nhất đó chính là đường thở của trẻ, vì nó sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí, nhưng phụ huynh không thể bịt kín đường thở của trẻ.

Chính vì thế, môi trường sạch sẽ, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp là quan trọng nhất. Ngoài ra, việc giữ ấm tay chân cũng cần thiết. Tuy nhiên, chỉ khi nào ra ngoài thời tiết lạnh hoặc ngủ không vận động thì mới cần đeo tất cho trẻ. Bởi, khi nào cũng bịt kín tay chân sẽ khiến trẻ khó vận động.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!