Cho trẻ ăn theo cách của bà mẹ Mỹ

Làm mẹ - 11/28/2024

Đây chính là những điều học được từ một Au Pair.

Mình đã có một năm trải nghiệm ở Mỹ như là một Au Pair, tức sinh viên nước ngoài được bảo lãnh bởi một gia đình đón tiếp người nước ngoài với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ cho sinh viên có cơ hội học tập, thuần thục ngôn ngữ nước bản xứ và rèn luyện một số kĩ năng sống và làm việc theo phong cách nước bản xứ. Mình đã học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều. Có một điều thú vị là những bài học mình có được không chỉ từ những khóa học tại trường lớp ở đây mà chính từ những sinh hoạt hàng ngày tại host family (chủ nhà). Đúng như tinh thần của chương trình Au Pair Mỹ, chúng ta giao lưu, học hỏi những nền văn hóa mới qua việc trở thành một thành viên trong gia đình người bản xứ.

Một trong những điểm khác biệt dễ nhận thấy đó là cách người Mỹ cho trẻ ăn. Hầu hết Au Pair từ Việt Nam đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau và nhất là có kinh nghiệm cho trẻ ăn. Nhưng khi được chứng kiến cách những người phương Tây cho trẻ ăn, mình không khỏi ngạc nhiên.

Hoa Kỳ là đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa, mỗi gia đình lại có sự giao thoa về các nền văn hóa. Host family đầu tiên của mình là mix giữa Đức và Việt Nam, host thứ 2 là Pháp và Mỹ, host thứ 3 là Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ đều có cách dạy con ăn giống nhau.

Chuẩn bị bữa ăn cho trẻ như thế nào?

Thông thường, khi trẻ bắt đầu biết ngồi và ngồi khá chắc (từ 8 tháng đến 16 tháng), họ sẽ đặt bé ngồi vào high-chair (ghế để cho trẻ ăn), thắt dây an toàn, và lắp khay đựng thức ăn vào ghế. Đối với trẻ từ 16 tháng đến 30 tháng, họ dùng booster seat – một loại ghế nhỏ hơn, lắp trực tiếp vào ghế ăn của người lớn, có dây an toàn và khay đựng thức ăn. Tuy nhiên ở tuổi này, họ tập dần cho bé ăn thức ăn có trong đĩa để trên bàn chứ không dùng khay đựng thức ăn nhiều nữa. Sau khi đã ngồi vào ghế, họ cuốn khăn hoặc yếm cho trẻ và cắt nhỏ thức ăn, đổ vào khay (trừ những món soup thì sẽ bón riêng). Và tất nhiên, họ không quên để một chiếc thìa và dĩa vào thay cho bé để bé làm quen với việc sử dụng chúng.

Hầu hết thức ăn trong bữa đều có thể cho trẻ cùng ăn và có thể cắn nhỏ thùy thuộc theo lứa tuổi của bé. Và một khẩu phần ăn thường có đủ thành phần như chất xơ: rau, củ; chất đạm: thịt, cá…

Cho trẻ ăn theo cách của bà mẹ Mỹ

Ảnh minh họa

Ngoài ra, các thành viên trong bữa ăn đều có đồ uống, nên trẻ cũng sẽ có bình nước riêng của mình. Tuy nhiên, có một lưu ý cho các bạn rằng nên quan sát cách chọn đồ uống của từng nhà. Đối mới host (chủ nhà) đầu tiên thì mình có thể tùy chọn đồ uống cho mình, kể cả có sự khác biệt với các thành viên khác. Nhưng đối với host thứ 2 và thứ 3 thì có trẻ tầm 3, 4 tuổi, nếu mình uống loại khác với bé hoặc khác với mọi người thì bé sẽ thường đòi được uống giống mình nên họ thống nhất tất cả cùng uống sữa hoặc cùng uống nước lọc.

Lượng thức ăn phù hợp giúp trẻ ăn ngon hơn

Richard (14 tháng) và Ryan (10 tháng) thỉnh thoảng dùng thìa xúc hoặc cầm dĩa xiên; có miếng cho vào miệng nhưng có lúc rơi lả tả ra bên ngoài và vương vãi xuống sàn. Nhưng mỗi lần đưa thức ăn vào khay, họ chỉ đưa vừa đủ, không đưa nhiều. Mình có hỏi, thì được host mom giải thích rằng đưa ít một như vậy, trẻ cảm thấy thích ăn hơn và nếu ăn hết thì trẻ sẽ vui hơn vì cảm thấy thành công còn nếu không ăn hết thì sẽ không bị phí.

Hai bé này có điểm chung là rất hiếu động và là food-lover (rất thích ăn) trong gia đình. Ngay sau khi đổ thức ăn đã cắt nhỏ vào khay, các bé sẽ lấy tay bốc cho vào quá nhiều đồ ăn. Ryan có một đặc điểm là rất thích ăn những đồ có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, cà rốt và ngô. Còn các loại mì sợi, pasta thì là món khoái khẩu của Richard, đặc biệt là cậu bé rất mê món phở cuốn của Việt Nam.

 Khi các đã ăn hết thức ăn trong khay, các bé thường đập đập vào bàn tỏ ý muốn ăn nữa hoặc nếu đã no bụng các bé sẽ ngồi nghịch các phần nước sốt còn lại trong khay và bôi bẩn khắp nơi. Để tạo cho con thói quen tốt thì người Mỹ chấp nhận việc dọn dẹp bãi chiến trường sau mỗi bữa ăn. Và đối với trẻ con ở Mỹ thì càng bẩn sẽ càng vui! Đây là thói quen xác lập cách suy nghĩ về trách nhiệm của từng người: Bố mẹ chịu trách nhiệm về việc con ăn gì, ăn ở đâu, ăn khi nào; còn trẻ chịu trách nhiệm về việc ăn như thế nào, ăn bao nhiêu, thậm chí là có ăn hay không.

Tại sao nên cho trẻ ngồi ăn cùng người lớn?

Việc tập cho trẻ thói quen ngồi ăn cùng với tất cả thành viên trong gia đình và tự ăn đồ ăn của mình khiến trẻ có ý thực tự lập từ nhỏ và cảm thấy vui vẻ. Bố mẹ cũng sẽ nhàn hơn vì có thể vừa ăn vừa quan sát trẻ chứ không phải ăn trước hoặc ăn sau. Hơn nữa, trẻ sẽ có cơ hội quan sát cách sử dụng dao /dĩa /thìa và cách ăn từ người lớn và sẽ bắt chước làm theo. Như vậy  từ cách ăn uống, bố mẹ đã tập thói quen tự lập cho trẻ.

Cho trẻ ăn theo cách của bà mẹ Mỹ

Ảnh minh họa

Tạo thói quen ăn uống tốt cho trẻ chính là tôn trọng con cái

Thông thường trẻ ăn 5 bữa trong ngày: 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Mỗi bữa cách nhau khoảng 3 tiếng nên việc trẻ không ăn nhiều ở bữa này cũng không là vấn đề quá nghiêm trọng vì trẻ sẽ đói và ăn nhiều hơn vào bữa sau. Họ không bao giờ ép con ăn mà khuyến khích con ăn bằng việc tạo nhiều hoạt động trước bữa ăn và thay đổi đồ ăn trong các bữa. Như vậy, họ cũng có thể nắm bắt được khẩu vị của con thích ăn gì hơn để tạo cảm giác thèm ăn cho trẻ. Họ không cho phép bất cứ việc bật TV, ca nhạc hay đùa giỡn để trẻ ăn nhiều hơn vì cho rằng những điều đó sẽ tạo thói quen xấu cho con và cho trẻ cảm giác việc ăn là ‘việc’ của bố mẹ nên thay vì tập trung ăn bé sẽ mè nheo, đòi hỏi, khiến bữa ăn trở nên rất nặng nề.

Qua trải nghiệm thì có thể thấy những điều trên không chỉ áp dụng trong việc ăn uống đối với trẻ mà là cách thức dạy trẻ của người Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có lẽ đó mới là những gì quí giá nhất mà mình nhận được từ chương trình Au Pair.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!