Hiện nay, nhiều bà mẹ trẻ coi việc chọn năm sinh, ngày sinh, giờ sinh con với đủ thứ lý do như một thứ 'mốt' thời thượng. Nhưng có phải là ai sinh vào giờ vàng, ngày đẹp cũng có tương lai tốt đẹp? Và việc chọn ngày, giờ sinh con thực tế ảnh hưởng như thế nào đến cả mẹ và bé?
Nhiều người có tâm lý sinh con 'giờ đẹp' để con may mắn, bố mẹ phát tài
Sinh con ra 'giờ vàng, ngày đẹp' thì vận mệnh con sẽ tốt, cuộc sống về sau gặp nhiều may mắn, thành công, hơn nữa còn giúp bố mẹ phát tài, công việc làm ăn thịnh vượng đã trở thành quan niệm phổ biến hiện nay. Nhiều người đã nhất quyết chọn ngày, giờ sinh con vì tin rằng con sinh ra đúng thời điểm như vậy sẽ thành thần đồng. Cơn sốt 'sinh ép' rộ lên ở nhiều nơi, trở thành đề tài mà nhiều người tìm hiểu.
Gần Tết Nguyên đán, nhiều người muốn chọn giờ sinh con
Tết Nguyên Đán là dịp chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Ở những gia đình có sản phụ sắp đến ngày sinh thì suy nghĩ sinh con chọn ngày, giờ lại có xu hướng tăng lên. Một phần cũng là do ý muốn sinh con vào giờ vàng, ngày đẹp. Bên cạnh đó, nhiều người muốn chọn ngày sinh con vì không muốn phải trải qua Tết Nguyên Đán trong bệnh viện.
Nhiều người muốn chọn giờ tốt sinh ra để mong đứa trẻ sẽ có vận mệnh tốt
Nước ngoài cũng mốt 'sinh con chọn giờ'
Cơn sốt sinh con giờ đẹp cũng bùng nổ tại nhiều nước, đặc biệt là các nước Châu Á. Với nét văn hóa coi trọng các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, việc người Châu Á coi trọng chọn ngày giờ sinh cũng là điều bình thường. Không chỉ có Việt Nam mà các nơi khác như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc,... cũng có quan niệm sinh con vào giờ đẹp thì cuộc sống sau này sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, việc sinh con chọn giờ liệu có thực sự tốt như nhiều người vẫn mong muốn? Kết quả tốt thì chưa ai kiểm chứng được nhưng việc can thiệp thời điểm sinh chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi cũng như đứa trẻ và cả người mẹ về sau.
Mẹ dễ gặp tai biến vì 'chạy đua giờ tốt' sinh con
Sản phụ sinh mổ để chọn giờ vàng có thể đối diện với việc tăng nguy cơ như nhiễm trùng hậu sản do có sự tiếp xúc giữa môi trường bên ngoài với vùng ổ bụng, tử cung hoặc nhiễm trùng do bị bế sản dịch, nguy cơ chảy máu trong cao hơn. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ do mổ đẻ để lại sẹo.
Việc phải sinh con giờ đẹp có thể khiến cả mẹ bầu và thai nhi gặp nguy hiểm
Bên cạnh đó, việc can thiệp sinh sớm có thể khiến người mẹ gặp những biến chứng ở lần mang thai sau, đặc biệt là nguy cơ chửa ngoài dạ con, nhau thai bám vào vết mổ cũ, vỡ tử cung ở mẹ,... khiến việc mang thai sau phải được theo dõi nghiêm ngặt hơn và lần sinh sau cũng hầu như phải mổ đẻ.
Tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí gây tử vong ở trẻ
Việc trẻ chào đời không bằng đường tự nhiên có thể khiến phổi và dạ dày của trẻ còn đọng nước ối. Phổi bị tồn ứ dịch sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị suy hô hấp, nhiễm trùng máu, bệnh màng trong. Đây là các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh, đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài, tốn kém.
Ngoài ra, quá trình chuyển dạ, sản phụ sẽ sản sinh ra nhiều hoóc-môn giúp tăng sức đề kháng ở trẻ. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ yếu hơn do thiếu những hoóc-môn cần thiết giúp đối phó với những thay đổi đầu đời.
Không những vậy, thực tế có nhiều thai nhi do bị ép ra đời sớm hơn hoặc ngược lại, vì mẹ 'nhịn đẻ' để chờ sinh con ra vào 'giờ vàng' mà gặp tai biến dẫn đến tử vong hay thai chết lưu.
Hãy để đứa trẻ được sinh ra theo cách tự nhiên nhất (Ảnh minh họa: Internet)
Cảnh báo những dấu hiệu không thể trì hoãn sinh con
Vỡ ối
Chỉ có 10% các ca sinh đẻ có túi ối bị vỡ trước khi xuất hiện những cơn đau co thắt. Khi thấy nước ối tràn ra ào ạt, thai phụ cần đến ngay bệnh viện vì có thể em bé sẽ chào đời sau 1-2 giờ nữa. Dấu hiệu chuyển dạ này rõ rệt nhất là hiện tượng vỡ ối diễn ra trong quá trình đau đẻ. Khi thai phụ bị vỡ nước ối ào ạt thì chính là lúc thai nhi cần phải đưa ra ngoài ngay lập tức.
Những cơn co thắt tử cung thường xuyên hơn
Nếu thấy các cơn đau co thắt tử cung xuất hiện liên tục thì nhiều khả năng sắp tới lúc sinh. Tuy nhiên, thai phụ cần phân biệt cơn co thắt thật và giả. Nếu là cơn co thắt thật, bạn sẽ cảm thấy cường độ đau tăng dần lên, mạnh mẽ, liên tục hơn và dường như không dứt được, kéo dài từ 30-60 giây. Khoảng cách giữa các cơn co thắt thật là 5-10 phút. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu thấy những hiện tượng của cơn co thắt thật. Các cơn co thắt giúp đẩy thai nhi xuống gần với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!