Chọn thuốc khi bị dị ứng theo mùa

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Dị ứng theo mùa thường xảy ra vào mùa xuân, hè hoặc thu. Phấn các loài hoa là tác nhân phổ biến thường gây dị ứng theo mùa.

Hắt hơi, ngứa mặt và cảm thấy khó chịu... là những triệu chứng của bệnh dị ứng. Dị ứng theo mùa không chỉ gây phiền toái, nó là một căn bệnh thực sự với những mức độ nặng nhẹ khác nhau, ảnh hưởng đến công việc, học tập và các hoạt động giải trí của bạn.

Cần kiểm tra nguyên nhân gây dị ứng

Dị ứng là một phản ứng mạnh của hệ miễn dịch đối với một loại chất mà cơ thể coi là có hại. Nếu bạn mắc chứng dị ứng và tiếp xúc với một chất gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ chống lại bằng cách tạo ra các kháng thể, khiến cơ thể giải phóng các chất hóa học có tên gọi histamin, gây ra các triệu chứng như hắt hơi liên tục, ngạt mũi, ngứa mũi hoặc chảy nước mũi, ngứa và đỏ mắt, chảy nước mắt...

Dị ứng theo mùa thường xảy ra vào mùa Xuân, Hè hoặc Thu. Phấn các loài hoa là tác nhân phổ biến thường gây dị ứng theo mùa. Các loại phấn gây dị ứng có thể đến từ cây, cỏ. Ngoài ra, các chất được tìm thấy trong nhà như mạt bụi thường gây dị ứng quanh năm, còn nấm mốc có thể gây dị ứng quanh năm hoặc theo mùa.

Nếu bạn nghi ngờ mình mắc dị ứng, hãy trao đổi với bác sĩ (bởi các bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm xoang và viêm kết mạc cũng có cùng các triệu chứng). Bác sĩ sẽ cho làm các test thử phản ứng để kiểm tra xem cơ thể mình phản ứng với tác nhân nào.

Các thuốc điều trị

Chọn thuốc khi bị dị ứng theo mùa

Ảnh minh họa

Trước hết cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Ví dụ nếu tác nhân gây dị ứng là phấn hoa, cần giảm hoạt động ngoài trời trong những ngày có nhiều phấn hoa và đóng các cửa sổ trong nhà. Song các loại phấn hoa lan truyền trong không khí rất khó tránh nên có thể dùng một số thuốc OTC (thuốc không cần kê đơn) để làm giảm nhẹ các triệu chứng.

Các loại thuốc kháng histamin có thể làm giảm hoặc chặn lại các histamin gây ra các triệu chứng. Thuốc có ở rất nhiều dạng, bao gồm viên uống và dạng lỏng có bán tại các quầy (hiệu) thuốc. Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 như diphenhydramine hoặc thế hệ 2 như fexofenadine và loratadine...

Khi dùng các thuốc này, bệnh nhân nên đọc kỹ thông tin về thuốc và tuân thủ liều dùng. Một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ và gây trở ngại trong việc lái xe hoặc điều khiển máy móc. Cơn buồn ngủ có thể tồi tệ hơn nếu người bệnh dùng thuốc an thần hoặc sử dụng rượu bia. Cũng như vậy, bệnh nhân có bệnh mạn tính như bệnh glocom hoặc phì đại tuyến tiền liệt nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng một số loại thuốc kháng histamin nhất định.

Bên cạnh thuốc kháng histamin, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt có thể giúp làm giảm nhẹ một số triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, khi dùng thuốc xịt mũi, khi chưa có ý kiến của bác sĩ chỉ nên dùng trong thời gian ngắn vì nếu sử dụng thuốc xịt mũi quá lâu sẽ càng làm ngạt mũi (tác dụng phụ của thuốc).

Trường hợp người bệnh không đáp ứng với các thuốc thông thường làm giảm nhẹ triệu chứng, có thể phải sử dụng liệu pháp miễn dịch. Đó là tiêm các lượng nhỏ tác nhân dị ứng vào cơ thể. Những mũi tiêm này có thể làm giảm mẫn cảm với các tác nhân gây dị ứng khi hít vào. 'Bệnh nhân có thể được tiêm hàng tuần bởi chuyên gia y tế trong từ 2-3 tháng. Trong khoảng thời gian đó liều sẽ tăng lên. Sau khi đạt đến liều cao nhất, biện pháp này có thể được duy trì hàng tháng trong 3 - 5 năm', ông Jay Slater - Nhà dị ứng học, Giám đốc bộ phận Sản phẩm vi khuẩn, ký sinh trùng và dị ứng của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết.

Mới đây, FDA còn cho phép một số thuốc ngậm dưới lưỡi như grastek, oralair và ragwitek (các thuốc này vừa được FDA phê chuẩn dùng tháng 4/2014) để trị viêm mũi dị ứng có hoặc không có viêm kết mạc, gây ra bởi một số loại phấn cỏ. Thuốc có thể được uống tại nhà, nhưng liều đầu tiên phải được uống ở cơ sở y tế. Ông Slater cho biết: 'Các thuốc này có tiềm năng làm giảm phản ứng miễn dịch đối với tác nhân gây dị ứng chứ không chữa các triệu chứng dị ứng'. Các thuốc ngậm dưới lưỡi nên bắt đầu được uống 3-4 tháng trước mùa dị ứng.

Cần lưu ý, các phương pháp chữa dị ứng có thể dẫn đến các phản ứng như sưng ở vị trí tiêm hay các phản ứng hệ thống ảnh hưởng đến đường thở. Đối với liệu pháp tiêm, các tác dụng phụ theo vùng như ngứa và sưng có thể gây khó chịu nhưng không nguy hiểm chết người. Song đối với các thuốc ngậm dưới lưỡi, cần phải thật chú ý đến các tác dụng phụ như sưng.

Do nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm, người bệnh bắt buộc phải sử dụng thuốc ngậm dưới lưỡi lần đầu tiên dưới sự giám sát của bác sĩ. Sau đó, có thể dùng thuốc hàng ngày ở nhà. Người bệnh cần đọc hướng dẫn sử dụng đính kèm với các thuốc này trước khi sử dụng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!