Chủ động bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Thời sự - 05/03/2024

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào thời tiết nắng nóng, cũng là thời điểm các bệnh như sốt vi rút, viêm đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da... dễ phát sinh. Trước tình trạng số người bệnh, nhất là trẻ em phải đi khám, điều trị có chiều hướng gia tăng, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có những khuyến cáo để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, ứng phó với nắng nóng.

Chủ động bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chủ động phòng, chống các bệnh lý người dân gặp phải mùa nắng nóng.

Cẩn trọng với các bệnh lý mùa khô

Điều trị tại Khoa Tổng hợp Bệnh viện quận 2, suốt 4 ngày qua, anh Nguyễn Văn Cương (31 tuổi, quê ở Hà Nam) cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, anh bị sốt, mệt mỏi, nhức đầu… sau đó, người nổi mẩn đỏ. 'Sau khi khám, các bác sĩ Bệnh viện quận 2 cho tôi nhập viện điều trị vì mắc bệnh sởi... Hiện trên người tôi chỉ còn những nốt thâm đen, chắc sắp khỏi bệnh', anh Cương kể.

Tương tự, chị Lê Thị Lành Việt (37 tuổi, ngụ ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho hay, do tính chất công việc nên chị thường phải đi ra ngoài đường, dù trời nắng nóng. Cách đây 5 ngày trên bề mặt da bắt đầu nổi nốt đỏ nên chị đã đến Bệnh viện Da liễu (quận 3) khám và được bác sĩ cho biết bị bệnh viêm da. 'Tuy không phải nằm viện điều trị, chỉ uống thuốc theo đơn bác sĩ kê nhưng tôi cũng rất lo lắng vì bệnh này', chị Việt chia sẻ.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, tính từ đầu tháng 1-2020 đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị hơn 1.651 bệnh nhân liên quan đến các bệnh lý trong mùa khô. Cụ thể, viêm da là 1.072 bệnh nhân, nhiễm trùng tiêu hóa 452 bệnh nhân, tiêu chảy 115 bệnh nhân, sốt phát ban 7 bệnh nhân và sởi 5 bệnh nhân. Các bệnh lý này được dự báo còn tăng trong thời gian tới.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhi đến khám và chữa trị, phần lớn liên quan đến các bệnh trong mùa nắng nóng như: Sởi, quai bị, phát ban, tay chân miệng, tiêu chảy, hô hấp, viêm họng… Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), thời gian tới bước vào mùa cao điểm nắng nóng, số lượt trẻ đến khám và điều trị có thể còn tăng cao. 

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tháng 2 hằng năm bước vào mùa nắng nóng cũng là lúc nhiều dịch bệnh phát sinh. Cùng thời điểm này năm 2019, trên địa bàn thành phố có 713 ca sốt xuất huyết, 313 ca mắc chân tay miệng, 83 ca mắc sởi… nhập viện điều trị. Đáng chú ý, cả 24/24 quận, huyện đều có trường hợp mắc sởi. 

Chủ động phòng ngừa

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện quận 2 cho hay, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, gây ra những bệnh như: Sốt siêu vi, đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da, tay chân miệng… Vì vậy, mỗi người dân cần chủ động có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Theo bác sĩ Võ Thanh Hùng, trước hết, mỗi người cần lưu tâm đến vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Khi nằm ngủ không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp và quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời; không để quạt thổi trực tiếp quá lâu vào người, dễ bị mắc các bệnh lý về hô hấp, cảm lạnh. 'Cần thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể', bác sĩ Võ Thanh Hùng chia sẻ.

Còn bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, mặc dù thời điểm này chưa phải cao điểm của dịch bệnh mùa nắng nóng nhưng với nền nhiệt tại thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 32 đến 35 độ C cũng rất dễ phát bệnh. Hơn nữa, diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp. Do đó, để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang nơi công cộng. Đối với các hoạt động ngoài trời cũng không nên ở quá lâu, đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, sáng màu, nên tìm các khu vực có bóng râm, hạn chế các đồ uống có cồn như rượu, bia vì sẽ làm mất nước nhanh.

Cho rằng việc tuyên truyền để mỗi người dân hiểu về các bệnh lý mùa nắng nóng và cách phòng tránh là rất cần thiết, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) đề xuất, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế thông tin đến người dân bằng nhiều hình thức, như qua cán bộ chữ thập đỏ, thôn, tổ dân phố, hệ thống phát thanh, cẩm nang, tờ rơi…

'Hầu hết các bệnh vào mùa nắng nóng thường không nghiêm trọng nhưng nếu chủ quan, không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh tình sẽ chuyển biến xấu, trầm trọng. Đặc biệt, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý điều trị hay mua thuốc cho trẻ nhỏ uống khi không có chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ. Đây là cách phòng bệnh hiệu quả nhất', bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý, thời tiết nắng nóng sẽ ngày càng gay gắt và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập…, bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, để tránh lây lan các nguồn bệnh mùa nắng nóng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!