Cột sống có vai trò là trục nâng đỡ cơ thể, phải chịu nhiều lực tác dụng cơ học và theo thời gian sẽ dần bị thoái hóa. Thoái hóa cột sống, đốt sống gây đau đớn, thậm chí có thể bị liệt, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Cột sống con người bao gồm 33 đốt sống, xương cùng, các đĩa điệm cột sống, và xương cụt. Các đốt sống bắt khớp nhau tạo thành một chuỗi xương dài, hướng thẳng đứng.
Cột sống chứa và bảo vệ tủy sống bên trong ống tủy sống, các đốt sống riêng biệt được gọi tên tùy theo vùng và vị trí, từ trên xuống dưới chia thành 5 phần:
- Phần cổ: Có 7 đốt sống, từ C1 đến C7; C1 được gọi là 'atlas' nâng đỡ đầu, C2 là 'trục' và C7 là đốt sống cổ nhỏ hay đốt sống cổ thứ 7. Quá trình hình thành gai đốt sống chẻ đôi không ở C1 và C7; chỉ có đốt sống cụt có lỗ ngang; thân nhỏ.
- Phần ngực: Có 12 đốt từ D1 đến D12; Được phân biệt bởi sự có mặt của các mặt (khớp) biên để nối phần đầu của các xương sườn; Kích thước đốt trung bình giữa đốt sống lưng và cổ.
- Phần thắt lưng: Có 5 đốt, từ L1 đến L5; đốt sống ở phần này có kích thước lớn và không có các mặt khớp biên cũng không có hình thành lỗ ngang.
- Đốt sống cùng: Có 5 đốt sống hợp nhất, từ S1 đến S5.
- Xương cụt: Có 4 đốt sống hợp nhất.
Cột sống có 3 chức năng: Là cột trụ chính chống đỡ cho cơ thể con người đứng thẳng; Là một chuỗi khớp xương rất di động giúp cho đầu và thân vận động đa dạng, thoải mái. Cột sống cũng giúp cho sự vận động tứ chi của con người có thể lao động và hoạt động thể thao; Là một ống dài bảo vệ tủy sống, phần kéo dài của não bộ và nơi xuất phát các rễ thần kinh đi khắp phủ tạng, các bắp thịt và da.
Thoái hóa cột sống là bệnh lý mà hầu hết chúng ta đều mắc phải. Đây là một quá trình lão hóa cột sống xảy ra đồng thời với sự già đi của cơ thể.
Cột sống đồng thời vừa phát triển vừa thoái hóa trong suốt quá trình phát triển của cơ thể, nhưng tùy theo lứa tuổi mà sự phát triển hay sự thoái hóa nhiều hơn. Tuổi càng cao thì quá trình thoái hóa càng nhiều.
Sự thoái hóa làm cho bao xơ của đĩa đệm bị giòn và nứt nẻ, tạo khe hở cho nhân nhầy ở bên trong thoát ra ngoài, gây nên thoát vị đĩa đệm. Các dây chằng thoái hóa cũng bị giòn, cứng, giảm độ đàn hồi, phình to ra. Chất vôi lắng đọng lại hoặc hóa xương trở nên sần sùi, chèn ép vào các rễ thần kinh trong ống sống hoặc trong lỗ liên hợp, hay chèn vào các đầu dây thần kinh có ngay trong các dây chằng gây ra chứng đau.
Bệnh gây đau khớp, viêm khớp, hẹp khe khớp, mọc gai xương ở các đốt sống, làm giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thoái hóa cột sống có thể gây ra các bệnh đi kèm như thoái hóa dây chằng và mấu khớp, thoái hóa dạng chồi xương thân đốt sống, thoát vị đĩa đệm…
Bệnh thoái hóa cột sống thường gặp ở người trên 30 tuổi, nhưng mỗi lứa tuổi thường có loại bệnh đặc trưng như: thoát vị đĩa đệm gặp nhiều ở độ tuổi 30-40; thoái hóa dây chằng lại hay xảy ra ở những người 50-60 tuổi; thoái hóa thân đốt sống và thoái hóa phì đại khớp thường thấy ở lứa tuổi trên 60.
Gai cột sống: thoái hóa cột sống làm cho thoái hóa bao xơ của đĩa đệm, dẫn đến bao xơ bị giòn, nứt nẻ, tạo khe hở để nhân nhầy thoát ra ngoài, gây nên thoát vị đĩa đệm. Khối thoát vị lồi ra kéo theo màng xương cạnh nó, sau một thời gian xương sẽ mọc ra theo tạo thành những vành xương tạo thành 'gai cột sống'. Chụp X-quang sẽ thấy hình ảnh những cái gai nhọn.
Ảnh minh họa
Các yếu tố nguy cơ tác động lên quá trình thoái hóa cột sống gồm: ô nhiễm môi trường, các hóa chất độc hại trong thức ăn, nước uống, các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, bệnh viêm khớp... làm cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn, nặng hơn.
Những người ít vận động, làm các công việc có cử động đơn điệu lặp đi lặp lại, người béo phì cũng làm quá trình thoái hóa của cột sống ngày càng trầm trọng.
Để điều trị thoái hóa cột sống, bạn có thể sử dụng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chườm ngải cứu, dán cao, thuốc bôi, xoa ngoài...
Điều trị nội khoa, có thể dùng một hoặc vài loại phối hợp trong số các thuốc sau: acetaminophen, salicylat, diclofenac, các thuốc chống viêm không steroid khác. Thuốc bổ sung chất nhầy cho khớp như những chế phẩm có cấu trúc phân tử gần giống như dịch khớp.
Thuốc dinh dưỡng sụn khớp glucosamine, sụn cá mập có tác dụng tăng cường tái tạo sụn, ức chế các men phá hủy sụn, giảm dần quá trình viêm đau khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, cắt bỏ gai cột sống gây đau, giải phóng chèn ép thần kinh.
Để phòng bệnh, bạn cần thực hiện các biện pháp: giảm cân nặng, chống béo phì. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, 3 lần một tuần hay tốt nhất là hàng ngày làm giảm đáng kể nguy cơ thoái hóa cột sống.
Thực hiện chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, phòng chống loãng xương, tránh dùng các phụ gia độc hại trong thực phẩm. Hạn chế hoặc bỏ hút thuốc, rượu bia.
Lao động phù hợp với sức khoẻ, những nghề có thể gây thoái hóa cột sống sớm như khuân vác, gánh nặng, đội nặng…
Cần kiểm tra thường xuyên để điều trị kịp thời các tổn thương cột sống.
Việc nhận biết sớm dấu hiệu, điều trị đúng cách là điều thiết yếu để hạn chế tối đa sự tiến triển và biến chứng của bệnh.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!