Chữa thủy đậu bằng mẹo: Sai một li, đi một dặm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tắm nước lá, sử dụng thảo dược hay kiêng nước, kiêng gió là những cách chữa thủy đậu sai lầm khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Nguy hại khi chữa thủy đậu theo cách dân gian

Mưa phùn, ẩm nồm trong thời điểm này, tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát sinh, trong đó có bệnh thủy đậu. Bệnh này thường gặp nhiều ở trẻ em và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân bị thủy đậu chuyển sang thể nặng do người nhà tự ý sử dụng cách chữa dân gian, truyền miệng, thay vì đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Áp dụng những cách chữa không đúng đắn sẽ gây ra những nguy hại khôn lường.

Chữa thủy đậu bằng mẹo: Sai một li, đi một dặm

Bệnh thủy đậu rất dễ gặp trong thời tiết nồm ẩm

- Tắm bằng các loại lá: Nhiều gia đình thường dùng những phương pháp dân gian như sử dụng các loại nước nấu từ lá chè, khổ qua… để tắm cho người bị thủy đậu. Điều này có thể gây bội nhiễm toàn thân, nhiễm trùng da rất nặng.

- Áp dụng quan niệm dân gian sai lầm: Theo suy nghĩ của nhiều người, khi người bệnh càng nổi nhiều nốt nghĩa là đã xuất ra hết và gần như sẽ khỏi. Nhưng trên thực tế, đối với bệnh thủy đậu, càng nổi nhiều bên ngoài kèm theo sốt cao thì có nghĩa là bệnh đang chuyển biến nặng và cần phải cấp cứu ngay.

Ngoài ra, quan niệm khi mắc bệnh thủy đậu phải kiêng gió, kiêng nước là hoàn toàn sai lầm. Trên da của chúng ta có nhiều vi khuẩn cộng sinh, nếu không chăm sóc vệ sinh và tắm rửa sạch sẽ cho người bệnh, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các nốt phỏng bị vỡ do người bị thủy đậu gãi và làm trầy xước. Sau đó gây nhiễm khuẩn tại chỗ, thậm chí là bị viêm da nặng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm cầu thận cấp.

Chữa thủy đậu bằng mẹo: Sai một li, đi một dặm

Nốt thủy đậu

Cách chăm sóc an toàn khi bị thủy đậu

- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ:Cần được lau rửa sạch sẽ, nhẹ nhàng bằng nước ấm, tránh để nốt thủy đậu bị chảy nước. Dùng khăn mềm khô lau khô người và mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.

Sử dụng các đồ dùng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, đũa, cốc uống nước… để tránh lây bệnh cho những người khác. Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Cách ly người bệnh:Cần phải cách ly người bệnh tiếp xúc với trẻ em, kể cả người lớn chưa bị bệnh để tránh lây lan thành bệnh dịch. Thời gian cách ly là khoảng 7 - 10 ngày kể từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.

Cần vệ sinh phòng, giường chiếu, chăn ga, sạch sẽ. Cho người bệnh nằm trong phòng kín gió, khô ráo, không được ẩm thấp, có thể khiến tình trạng thủy đậu nặng hơn.

Chữa thủy đậu bằng mẹo: Sai một li, đi một dặm

Khi bị thủy đậu, cần chữa bệnh theo sự tư vấn của bác sĩ

- Đảm bảo chất dinh dưỡng: Người bị bệnh thủy đậu cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo, bổ sung nhiều nước như uống nước lọc, nước canh và ăn hoa quả để tăng cường vitamin và các dưỡng chất cần thiết như chuối, cam…

- Theo dõi tình hình sức khỏe của bệnh nhân: Nếu thấy có các biểu hiện như: mệt mỏi, hôn mê, co giật hoặc có xuất huyết ở nốt thủy đậu hoặc các mụn thủy đậu bị vỡ ra, gây trầy xước da thì cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Và điều quan trong các bạn cần ghi nhớ đó là tuyệt đối không  sử dụng các phương pháp chữa bệnh theo dân gian, hay dựa vào các quan niệm xưa để tự ý chữa bệnh. Cần tìm đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị cho đúng, chữa dứt điểm bệnh.

Ảnh minh họa: Internet

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!