Chữa ung thư theo thông tin lan truyền: Mất tiền, thêm bệnh

Sống khỏe mạnh - 04/17/2024

Hiện trên mạng xã hội, nhiều người lan truyền cho nhau phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương.

Tuy nhiên, GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K khẳng định chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng tốt cho người bệnh ung thư.

Chưa có nghiên cứu chứng minh thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư

Thông tin tại tọa đàm “Sống chung, sống khỏe với ung thư” tổ chức tại Trường đại học Y Hà Nội cuối tuần qua, GS.TS. Lê Thị Hương cho biết, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân theo phương pháp Ohsawa. Có những bệnh nhân theo đuổi phương pháp này tới gần 10 năm nay, khiến họ chỉ còn da bọc xương. Đặc biệt, chế độ ăn thiếu hụt quá nhiều chất dinh dưỡng đã khiến bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.

Chữa ung thư theo thông tin lan truyền: Mất tiền, thêm bệnh

Đi khám thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, không chữa bệnh theo thông tin lan truyền. Ảnh: TM.

GS.TS. Lê Thị Hương cũng thông tin thêm, có người tranh luận rằng tại sao nhà sư họ ăn chay vẫn khỏe? Tôi đã tìm hiểu và được biết những người này phải ăn nhiều cơm, rau, muối vừng... Nhiều người ăn chay trường phải tới bệnh viện khám vì có dấu hiệu về cơ xương khớp, răng môi lưỡi, thiếu vitamin... “Vì vậy, với người bệnh ung thư, không nên theo phương pháp thực dưỡng mà vẫn phải ăn như người bình thường. Đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư” - GS.TS.Lê Thị Hương nhấn mạnh.

Vì thế, người bệnh ung thư cần ăn đủ dinh dưỡng. Các vitamin, khoáng chất... mà thực phẩm cung cấp sẽ tham gia vào cơ thể, chỉ cần thiếu một trong số chất đó, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng về chủ đề này, PGS. TS. Dương Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh của BV Y học cổ truyền TW nhấn mạnh thêm, quan điểm nếu ăn uống đầy đủ sẽ làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn hiện nay của không ít người bệnh ung thư là sai lầm.

Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể, thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác, khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng. Những người bệnh đang điều trị ung thư cần hạn chế nguyên nhân gây ung thư, đồng thời tăng cường tập thể dục chứ không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. Mặt khác, người bệnh nên có thực đơn cân đối, không nên quá thừa chất.

Hơn 300.0000 người Việt đang phải chung sống với căn bệnh ung thư

GS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế cho thấy, năm 2018 tại Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư. Ung thư đang thực sự là một gánh nặng lớn cho xã hội. Tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và nhìn chung tương tự gần như thế giới.

Chúng ta đang đứng trước quá nhiều nguy cơ gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá, chỉ riêng hút thuốc lá đã chiếm đến trên 30% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư; tiếp đến vấn đề dinh dưỡng không an toàn chiếm đến trên 30% nguyên nhân,

Nguyên nhân khác như ô nhiễm môi trường và nhiễm khuẩn ví dụ như các yếu tố gây viêm gan virut, ung thư cổ tử cung... Yếu tố di truyền cũng chỉ chiếm khoảng 10% trong số các ca bệnh ung thư.

GS.TS. Trần Văn Thuấn khẳng định, mặc dù bệnh ung thư tại Việt Nam gia tăng, nhưng có thể nói tất cả những tiến bộ trong phòng và điều trị ung thư trên thế giới hiện đều có tại Việt Nam bao gồm phòng bệnh, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là việc đưa vào ứng dụng các công nghệ - kỹ thuật cao trong điều trị.

Để phòng tránh bệnh ung thư, chúng ta cần phải hạn chế và tránh các yếu tố gây nguy cơ ung thư bao gồm bỏ hút thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, tiêm một số vắc-xin phòng chống bệnh ung thư như vắc-xin viêm gan b, vắc-xin ung thư cổ tử cung.

Đặc biệt đối với một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền, trong gia đình đã có người mắc thì người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ để phát hiện sớm bệnh. “Hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao”- GS.TS. Trần Văn Thuấn nói.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!