Chủng ngừa: Phòng bệnh hiệu quả cho bé

Làm mẹ - 04/29/2024

Biết là vậy, nhưng những câu hỏi như tiêm vắc-xin gì, tiêm ở độ tuổi nào... đôi khi cũng làm cho các bậc cha mẹ 'rối trí'.

Hiện nay, với hơn 30 loại vắc-xin, việc phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã trở thành thực hành thường quy đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên, những câu hỏi như tiêm vắc-xin gì, tiêm ở độ tuổi nào hay tiêm vắc-xin nào trước, vắc-xin nào sau đôi khi cũng làm cho các bậc cha mẹ 'rối trí'. Đó là chưa kể tâm lý ngần ngại, thậm chí hoang mang của phụ huynh trước một số ít trường hợp tai biến, sốc phản vệ khiến trẻ tử vong sau tiêm ngừa. Lời khuyến cáo của bác sĩ vẫn là nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng thời hạn để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bệnh tật.

1. Trẻ nhỏ mà tiêm vắc-xin quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. SAI

Danh mục các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đều rất cần thiết vì chúng có tác dụng ngừa các bệnh lý nguy hiểm, hay gặp nhất và có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng cho trẻ. Tiêm vắc-xin nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ, điều này không làm ảnh hưởng sự tăng trưởng của trẻ. Đối với các vắc-xin chưa đưa được vào chương trình TCMR, nếu có điều kiện, các bậc phụ huynh có thể sử dụng tại các điểm tiêm dịch vụ. Các vắc-xin được lưu hành tại Việt Nam đều đã được kiểm định chất lượng và tính an toàn đối với trẻ em Việt Nam.

2. Nếu chăm lo cho con thật tốt, trẻ khỏe mạnh, có sức đề kháng thì không cần chích ngừa. SAI

Trẻ sẽ đến tuổi đi nhà trẻ, đi mẫu giáo và tham gia các hoạt động cộng đồng khác, do vậy dễ có nguy cơ phơi nhiễm với các bệnh lây lan qua đường hô hấp, tiêu hóa… Chỉ có tiêm ngừa mới giúp cho trẻ có đề kháng tốt nhất chống lại các bệnh này. Bên cạnh việc chăm sóc, vệ sinh tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tiêm vắc-xin là rất cần thiết để phòng chống lại các bệnh lây truyền ở trẻ nhỏ.

Chủng ngừa: Phòng bệnh hiệu quả cho bé

3. Nên chích ngừa sớm đúng theo độ tuổi. ĐÚNG

Trong việc chăm sóc, ngăn ngừa bệnh tật cho con, không ít cha mẹ làm theo kiểu 'chạy lũ', đợi đến khi có dịch xảy ra thì mới đưa con đi tiêm vắc-xin. Điều này là không nên vì trẻ được tiêm sớm mới có thể tạo sức đề kháng tốt chống lại bệnh khi có dịch xảy ra. Hơn nữa, việc tập trung một lượng trẻ đông tại các điểm tiêm phường (xã) hay điểm tiêm dịch vụ đều khiến các bé chóng mệt mỏi, nguy hại hơn là dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

4. Trẻ trên 12 tháng tuổi đã qua 'cái đốt', không cần tiêm nữa. SAI

Khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, bên cạnh việc hoàn thành mũi tiêm nhắc bao gồm: Tiêm nhắc vắc-xin sởi mũi 2; vắc-xin phối hợp các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) mũi 4 vào 18 tháng tuổi, trẻ sẽ có thêm các vắc-xin khác như: Vắc-xin ngừa bệnh quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản B, thủy đậu… Khi trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, sẽ có thêm các vắc-xin: Viêm não mô cầu, phế cầu, thương hàn… Song song đó, phụ huynh sẽ được nhân viên y tế tư vấn để tiêm nhắc thêm một số vắc-xin khác cho trẻ.

5. Chích ngừa ở trạm y tế phường (xã) cũng tốt như tiêm vắc-xin dịch vụ. ĐÚNG

Chương trình TCMR được triển khai từ năm 1981 và được xem là một trong những thành công của y tế Việt Nam. Chính nhờ chương trình này mà tất cả trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận miễn phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua việc dự phòng các bệnh cơ bản bằng vắc-xin tại trạm y tế phường (xã). Khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, địa chỉ mà các bậc cha mẹ cần chú ý chính là trạm y tế phường (xã)-nơi sẽ thực hiện các mũi tiêm đầu tiên ngừa tám bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ, bao gồm: Lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Haemophilus influenzae (Hib) và bệnh sởi. Tuy nhiên, có những loại vắc-xin vẫn chưa được đưa vào chương trình TCMR, bố mẹ nên đưa trẻ đến tiêm các vắc-xin đó tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Ví dụ: Trẻ dưới 12 tháng tuổi có thể tiêm thêm các vắc-xin khác, như: Vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rota vi-rút, ngừa cúm…

Chủng ngừa: Phòng bệnh hiệu quả cho bé

6. Phụ huynh chỉ cần mang con đến điểm tiêm, các việc khác do nhân viên y tế đảm nhiệm. SAI

Cần phối hợp tốt giữa nhân viên y tế và phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng. Phụ huynh cần lưu ý các việc sau:

Trước tiêm cần chuẩn bị:

1) Sổ tiêm chủng.

2) Tìm hiểu về loại vắc-xin mà trẻ dự định sẽ tiêm.

3) Thông báo tiền sử dị ứng và những dấu hiệu mà trẻ gặp phải trong lần tiêm trước cho bác sĩ thăm khám.

Trong lúc tiêm, cần:

1) Hỗ trợ nhân viên y tế trong việc giữ trẻ ở tư thế đúng.

2) Kiểm tra và đối chiếu loại được tiêm có đúng loại vắc-xin mà bác sĩ chỉ định không.

3) Nghe dặn dò của nhân viên y tế ở lần tiêm tiếp theo.

Sau khi tiêm, cần:

1) Phối hợp cùng nhân viên y tế theo dõi trẻ tại phòng tiêm trong 30 phút.

2) Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong vòng 24 giờ tiếp theo.

3) Ghi nhớ lần tiêm nhắc sắp tới đã được ghi chú trong sổ tiêm chủng của trẻ.

7. Khi có phản ứng phụ xảy ra, cần liên hệ ngay với điểm tiêm chủng. ĐÚNG

Như nhiều loại thuốc điều trị, vắc-xin cũng có những tác dụng phụ mà khi gặp phải phụ huynh cần bình tĩnh liên hệ ngay với điểm tiêm chủng, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!