Ngay cả những y bác sỹ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân này cũng phải thừa nhận rằng, có những giai đoạn không ai dám hứa trước điều gì về tính mạng của ca bệnh số 91, khi khả năng sống chỉ còn khoảng 10%. Tất cả chỉ cố gắng hết khả năng của mình mà thôi.
Anh ta hồi phục, trở về nước, có thể nói đó là một kỳ tích của ngành Y tế. Ngay cả hãng tin Reuters cũng phải nhận xét rằng ca bệnh này chính là 'biểu tượng chống dịch thành công của Việt Nam'.
Bây giờ thì bệnh nhân ấy đã được về quê nhà, trên một chuyến bay nhiều chặng (TP Hồ Chí Minh - Frankfurt - London - Glasgow), có 3 bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đi cùng để theo dõi sức khỏe. Đoàn bay cũng bao gồm những đồng nghiệp thân thiết từng sát cánh với anh trong suốt thời gian bay dưới màu áo của Vietnam Airlines. Anh sẽ mang theo cả câu chuyện đáng tự hào về Việt Nam để lan tỏa nó ở quê nhà mình. Song, có rất nhiều điều chúng ta cần phải rút kinh nghiệm từ chính trường hợp của bệnh nhân này.
Từ những ngày đầu tiên trong 116 ngày trên giường bệnh, đã có một làn sóng chỉ trích rất mạnh mẽ đã từng dồn về bệnh nhân này với những tin đồn thật sự rất kém văn hoá. Điển hình là những đồn thổi về giới tính của anh.
Tiếp đến là cách dùng cụm từ 'bệnh nhân người Anh' để ám chỉ bệnh nhân số 91, theo tên 1 bộ phim nổi tiếng, cũng là cách dùng từ chưa chính xác, có thể gây cảm giác thiếu được tôn trọng đối với người được gọi.
Bệnh nhân số 91 là công dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland - gọi tắt là UK) nhưng chính xác là người Scotland. Một người Scotland không bao giờ muốn bị gọi là một người Anh (English). Gọi như vậy là thiếu chính xác và thiếu tôn trọng dân tộc tính. Nỗi buồn này chắc chắn sẽ có, nhưng có thể có thêm cả 'buồn cười'. Đa số những người viết chẳng quan tâm tới văn hoá, xã hội và chính trị cơ bản của một cường quốc trên thế giới.
Rồi sau cùng là việc vì không được chấp thuận cho một cuộc phỏng vấn, kèm theo đó là trong thông cáo báo chí của Đại sứ quán Anh không có lời cảm ơn cụ thể Việt Nam, nhiều người vội vã chỉ trích bệnh nhân này là vô ơn.
Thực tế, nhiệm vụ của ngành Y chúng ta là phải ra tay cứu chữa trước đã. Còn lời cảm ơn, đó là quan hệ cá nhân giữa bệnh nhân với bác sỹ, giữa ngành ngoại giao quốc gia ấy (cụ thể là Vương quốc Anh) đối với ngành Ngoại giao, Y tế Việt Nam. Tất cả đều đã có, được chứng thực bởi chính những người có uy tín trong ngành Y và trực tiếp tham gia điều trị cho ca bệnh này. Các thành phần liên quan không có nghĩa vụ phải bố cáo cho toàn thể quốc dân đồng bào được biết.
Trong khi đó, chuyện nhận lời hay từ chối một bài phỏng vấn hoàn toàn là quyền cá nhân của mỗi người và chúng ta khó có thể lấy chuyện đó ra để 'mặc cả' như thể đòi hỏi một sự trả ơn. Đặc biệt, tôn chỉ của ngành Y nói riêng và của những người là việc thiện nói chung là không vì mục đích được trả ơn. Khi các y bác sỹ không đòi hỏi việc ấy, chúng ta đòi hỏi nhân danh gì?
Nói chung, qua ca bệnh 91, chúng ta có thể nhận ra một điều cơ bản rằng: để xây dựng một xã hội văn minh, dứt khoát phải bằng từng hành vi văn minh nhỏ nhất trước đã.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!