Chuyên gia cảnh báo trẻ dễ bị hóc dị vật, chấn thương mắt dịp Tết

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Dịp Tết, cũng là thời điểm nhiều trẻ nhỏ bị hóc dị vật như thạch, hạt dưa, hạt hướng dương... đồng thời trẻ cũng có thể gặp các chấn thương khác do sự bát cẩn của người lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi – Bênh viện Bạch Mai, các loại hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều hay thạch, kẹo… là thủ phạm gây ra những tai nạn dị vật đáng tiếc cho trẻ vào mỗi dịp Tết.

Theo các bác sĩ, những ngày giáp tết, bố mẹ bận rộn nhiều việc nên số trẻ bị hóc dị vật nhập viện thường tăng. Trẻ bị hóc dị vật gặp nhiều ở lứa tuổi nhỏ.

Các bác sĩ lưu ý tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có nguy cơ trở thành dị vật. Không chỉ riêng những loại trái cây mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em.

Trong những ngày tết, nhiều gia đình thường mua các loại hạt về ăn. Đây cũng có thể trở thành dị vật. Một trong những nguyên nhân gây ngạt gần đây hay được đề cập là rau câu viên. Loại rau câu này cũng được nhiều gia đình mua. Các bậc cha mẹ cần lưu ý nên để những đồ vật, loại hạt, rau câu... ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.

Hóc, sặc là loại cấp cứu phải được xử trí nhanh. Nếu thấy mặt trẻ tím tái mà không tiến hành sơ cứu ngay mà lại vội bế trẻ đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong của trẻ rất lớn.

'Với trẻ sơ sinh, cần đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay người làm thủ thuật, bàn tay giữ cằm để đầu của trẻ ngửa. Dùng gót bàn tay kia vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì tiếp tục làm thủ thuật ấn ngực”- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn

Đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi, khi bị hóc dị vật là các loại hạt, phụ huynh nên ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Cha mẹ khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật ra và thở được thì đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Chuyên gia cảnh báo trẻ dễ bị hóc dị vật, chấn thương mắt dịp Tết

Ngày Tết trẻ thường dễ bị hóc các dị vật như hạt hướng dương, hạt bí, thạch...

'Không nên cho tay vào miệng trẻ để móc dị vật bởi khi làm thế dị vật càng xuống sâu, gây phù nề. Không vuốt xuôi bởi điều này vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn”- BS Dũng khuyến cáo.

Một tai nạn khác cũng thường xảy ra với trẻ nhỏ dịp Tết đó là theo BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, ngày Tết trong khi người lớn bận rộn nhưng trẻ con được nghỉ học dài ngày và thỏa thích vui chơi dễ dẫn đến các tai nạn do bất cẩn. Nguyên nhân là do những vật dụng trang trí đón Tết, như: cành đào đâm vào mắt, bóng đèn nhấp nháy, tai nạn do pháo hoặc bị vật sắc nhọn chọc khi vui đùa...

BS Hoàng Cương cũng cho biết thêm, dù đã cấm đốt pháo từ lâu nhưng một số nơi vẫn lén lút đốt pháo. Vì thế, năm nào cũng có người bị chấn thương mắt do pháo. "Chỉ trong mấy ngày Tết năm Đinh Dậu, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị tổn thương mắt do pháo, gây giảm thị lực. Có trường hợp ngay đêm giao thừa đã phải nhập viện vì pháo hoa rơi vào mắt.

Về việc sơ cứu chấn thương vùng mắt, các chuyên gia cho hay nhận định sai lầm lớn nhất các nạn nhân thường dụi mắt, tự ý lấy dị vật hoặc băng bó vết thương quá chặt. Điều này có thể khiến thị lực bị ảnh hưởng thậm chí mù lòa vĩnh viễn.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề, bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh và hãy đưa ngay nạn nhân đến chuyên khoa mắt gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không day, dụi mắt; không đè ép, xối rửa hay bôi thuốc gì vào mắt. Chỉ nên rửa mắt dưới vòi nước, nhúng mắt vào nước sạch khi bị bụi hay hóa chất lọt vào.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!