Chuyên gia cung cấp kiến thức tổng quan về bệnh Gout và cách phòng ngừa hiệu quả

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh Gout là một loại viêm khớp, hay gặp ở nam giới độ tuổi trung niên do rối loạn chuyển hóa purin gây nên việc tích tụ nhiều acid Uric trong máu.

Để hiểu rõ hơn về bệnh gout, chúng ta đã gặp và trò chuyện cùng các Bác sĩ Chu Hòa Sơn, hiện là Giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur để biết nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng tránh loại bệnh này như thế nào.

Hỏi: Thưa bác sĩ, bệnh gout là gì và bệnh có thể gây nguy hiểm như thế nào với người mắc?

Trả lời: Bệnh Gout có thể hiểu đơn giản đó là một loại viêm khớp, thường gặp ở nam giới ở độ tuổi trung niên do rối loạn chuyển hóa purin gây nên việc tích tụ nhiều acid Uric trong máu. Khi tích tụ nhiều Acid Uric lâu ngày dẫn đến tích tụ thành các tinh thể muối Urat ở các khớp tay, chân gây sưng phồng và biến dạng các khớp. Người mắc bệnh có cảm giác đau đớn ở các khớp là do các tinh thể Urat sắc nhọn bám và đâm vào các khớp gây ra.

Chuyên gia cung cấp kiến thức tổng quan về bệnh Gout và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh gout là bệnh thường gặp ở nam giới.

Việc tăng acid uric máu là yếu tố đặc trưng của bệnh gout, đây là hậu quả của hai quá trình tăng sinh tổng hợp acid uric trong cơ thể và giảm bài xuất acid uric qua thận, các tinh thể urat không đào thải được ở thận là nguyên nhân gây ra sỏi thận và suy thận. Bệnh không chỉ gây đau nhức, sưng phù khó chịu, làm biến dạng khớp mà về lâu dài còn gây biến chứng nghiêm trọng ở thận.

Hỏi: Bác sĩ có thể cho biết những triệu chứng cũng như nguyên nhân gây ra bệnh gout này là do đâu?

Trả lời: Trước tiên bạn hãy hiểu bệnh gout là do sự tích tụ quá nhiều acid uric trong cơ thể gây ra. Acid uric là một chất thải hình thành từ sự phân hủy tự nhiên của các chất gọi là purin có trong các tế bào của cơ thể. Triệu chứng thường gặp của bệnh gout mà người bệnh có thể dễ dàng nhận biết được chính là:

• Đau nhiều đến mức không chịu nổi vào ban đêm, kéo dài đến mấy tiếng.

• Da bong tróc, ngứa ngáy khó chịu, xung quanh các khớp tay, chân bị đau, vùng da quanh khớp bị tím đỏ.

• Người mắc bệnh gout thường có triệu chứng lạnh run, sốt, gặp khó khăn trong cử động cơ thể.

• Nhiều trường hợp có những hạt tophi nổi trên các khớp hoặc xung quanh khớp hay ở vành tai.

Nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều và càng nặng hơn. Nếu không được chữa trị kịp thời thì trong các giai đoạn sau có thể xuất hiện những cục u gọi là hạt tophi xung quanh khớp gây tổn thương khớp, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, làm mất vận động, gây đau mãn tính, có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.

Thông thường, tâm lý bệnh nhân khi điều trị dứt được cơn đau đều tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển bên trong. Nguyên nhân sâu xa của bệnh gout nằm ở những trục trặc về gen. Cho đến nay, giới khoa học đã xác định được 5 gen liên quan đến bệnh gout: 2 gen tại gan và 3 gen có trong tinh hoàn.

Vì vậy đàn ông có nhiều khả năng mắc bệnh gout hơn phụ nữ, do các gen bị trục trặc thường có ở nam. Tuy nhiên, phụ nữ có nam tính mạnh mẽ cũng vẫn có thể bị mắc bệnh. Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gout cao bao gồm:

• Người bị béo phì.

• Người có tiền sử gia đình có người bị mắc bệnh gout.

• Người bị bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa.

• Những người nghiện rượu.

• Người lạm sử dụng một số thuốc (Aspirin, thuốc lợi tiểu).

Hỏi: Bệnh gout được điều trị như thế nào và có phương pháp nào chữa khỏi mà không gây tổn thương vĩnh viễn cho xương và khớp không thưa bác sĩ?

Trả lời: Khi đã mắc bệnh gout thì dù dùng hay không dùng thuốc thì cơn gút cấp cũng sẽ xảy ra. Để điều trị bệnh gout thì nguyên tắc cơ bản là cần ức chế sự gia tăng acid uric trong cơ thể, bên cạnh đó cần giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn cho người bệnh khi bị cơn gout tấn công, kéo dài thời gian tái phát cơn đau và tránh sự hình thành sạn thận và các khối u quanh các khớp.

Mục tiêu điều trị bệnh gout là gây tác động trực tiếp vào các lớp tinh thể muối urat tại khớp. Phá vỡ các mảng bám muối urat thành các phân tử nhỏ hơn đồng thời đào thải chúng ra khỏi khớp vào máu và cuối cùng bài tiết ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu. Chính vì thế mà phương pháp điều trị bệnh gout bằng cách dùng thuốc kết hợp chế độ ăn uống hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể áp dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt để giảm các triệu chứng.

Đối với hầu hết các bệnh nhân, thuốc tốt nhất trong cơn gút cấp là thuốc chống viêm không Steroid, tuy nhiên trong một vài trường hợp Steroid vẫn được sử dụng. Các loại thuốc thường sử dụng là colchincin giúp giảm đau trong các đợt cấp; Probenecid, Sulfinpyrason giúp đào thải acid uric qua thận hay thuốc ức chế phản ứng tạo thành acid uric dùng trong các đợt cấp đề phòng tái phát như allpopurinol.

Hỏi: Để phòng ngừa bệnh gout hiệu quả thì cần có chế độ dinh dưỡng thế nào thưa bác sĩ?

Trả lời: Giảm cân có thể làm giảm nồng độ acid uric và giảm xuất hiện các cơn gút cấp. Việc giảm cân qua chế độ ăn uống hợp lý kết hợp tập luyện thể dục thể thao là điều rất quan trọng. Với người nghiện rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Người không mắc bệnh nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày vì nó giúp hoà tan acid uric trong cơ thể và loại bỏ theo đường tiết niệu ra ngoài, điều này cũng rất tốt đối với bệnh nhân bị gout.

Mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh và hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích. Đồng thời nên xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh gout hiệu quả và an toàn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!