Trong cuộc sống gia đình, không có niềm vui nào bằng việc vợ chồng con cái vui vẻ hạnh phúc bên nhau và dĩ nhiên cũng không có nỗi buồn nào bằng khi sau một thời gian chung sống thì vợ chồng lại bất hòa với nhiều lý do khác nhau để cuối cùng đi đến việc chia tay.
Qua nhiều năm tư vấn tâm lý cho gia đình và trẻ em, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Cty GD KidsTime TPHCM) nhận thấy: 'Cho dù vì bất cứ lý do gì, từ chuyện bạo hành lẫn nhau, làm ăn thất bại cho đến việc có người thứ ba xen vào, để rồi gia đình phải tan vỡ, cha mẹ con cái chia ly. Dù cho ly hôn có thể là một sự giải thoát cho vợ hay chồng, hay để lại niềm bi hận cho một trong hai người, thì có thể nói, nạn nhân đau đớn nhất trong việc chia tay chính là đứa con.
Dù trẻ có thể sống với bố hay với mẹ, hoặc với ông bà… thì cuộc sống vẫn có những xáo trộn khiến cho trẻ sẽ gặp phải những chấn thương tâm lý có khi bộc phát bằng những giọt nước mắt, hay tình trạng trầm cảm có thể đưa đến nguy cơ tự sát. Nhưng cũng có khi những tổn thương này sẽ tạo ra các biểu hiện được ngụy trang qua các hành vi chống đối, nguy cơ bỏ học hoặc trở nên hung hăng, hỗn láo với người nuôi dưỡng trẻ mà họ không nghĩ rằng, đó là hệ quả của việc ly hôn, mà cho rằng đó là tính cách của trẻ.
Những chấn thương tâm lý có khi bộc phát bằng những giọt nước mắt, hay tình trạng trầm cảm có thể đưa đến nguy cơ tự sát (Ảnh minh họa).
Thậm chí, các chấn thương này có thể làm biến đổi các cung bậc cảm xúc của trẻ. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn… có thể dần dà trở thành một kẻ khó tính, ít nói, lười biếng và hỗn láo và ngày càng suy sụp, luôn chống lại những giá trị sống.
Như vậy, những sang chấn tâm lý do việc ly hôn, sẽ để lại những ảnh hưởng rất đa dạng trên đứa trẻ. Có khi trẻ sẽ có những phản ứng ngay trong một thời gian ngắn sau khi cha mẹ chia tay. Ban đầu trẻ sẽ hoang mang, lo lắng nhưng rồi bắt đầu có những phản ứng rõ rệt hơn. Cũng có khi, ban đầu trẻ không có biểu hiện gì rõ ràng, vẫn sinh hoạt với người chăm sóc mình (có thể là bố hay mẹ) nhưng dần dà, khi thiếu sự phối hợp 'kẻ tung người hứng' trong việc dạy con, khi chỉ còn một người phải đóng hai vai trong việc nuôi dưỡng, cùng với cách ứng xử không hợp tình hợp lý của người chăm sóc chính, trẻ sẽ bắt đầu có những thái độ không ổn định, trở nên trái tính trái nết, đặc biệt là khi bước vào lứa tuổi dậy thì hay sớm hơn'.
Riêng với trẻ đang ở độ tuổi đi học, những cú sốc của trẻ khi cha mẹ ly hôn còn tác động tiêu cực đến kết quả học tập của trẻ. Trong quá trình tư vấn tâm lý, BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang - Chuyên viên tâm lý lâm sàng Nhi Khoa - Phòng Khám Nhi Phát triển - Tao Đàn (TP.Hồ Chí Minh) có nhớ đến 1 trường hợp người mẹ tìm đến sự tư vấn của bác sĩ bởi thời gian gần đây, con trai lớp 4 của chị được cô giáo phản ánh kết quả học tập giảm sút nhiều, hay buồn rầu không tập trung học. Hỏi ra mới biết cha mẹ bé trai đã ly dị gần 1 năm nay và cháu đang ở với mẹ nhưng công việc của mẹ bận rộn nên thậm chí không còn thời gian trò chuyện với cháu như trước đây. Cha cháu thì chỉ thi thoảng gọi điện chứ không thường xuyên đến thăm con vì đã có gia đình riêng.
Bác sĩ Quỳnh Trang phân tích, một trong những khó khăn thường gặp nhất của trẻ có bố mẹ ly hôn khi đang ở tuổi đi học là không tập trung vào việc học sau khi cha mẹ ly dị vì trẻ sẽ suy nghĩ có phải là do trẻ gây ra sự chia cắt đó? Trẻ có còn được yêu thương như trước không và ai là người sẽ chăm sóc trẻ sau này khi không còn chung một mái nhà? Khi nào thì hình ảnh cha mẹ và trẻ chung sống với nhau như quá khứ được hàn gắn lại?
'Hậu ly hôn, cảm xúc của cha mẹ rất phức tạp từ đau khổ, giận dữ và ấm ức. Họ chối bỏ sự thật để nhìn lại vấn đề. Có khi cha mẹ cảm thấy tội lỗi với con cái và họ hàng hoặc lo âu trầm cảm thậm chí có thể làm nhục người vợ/người chồng. Thời gian này càng lâu thì con cái sẽ chịu nhiều đau khổ và sẽ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như kết quả học tập của chúng và một phần nhân cách và mô hình hôn nhân về sau của trẻ', BS Quỳnh Trang lý giải.
Chính những 'mâu thuẫn hậu ly hôn' này mới làm cho những sang chấn của trẻ trở nên nặng nề và khiến trẻ dễ rơi vào khủng hoảng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng chỉ rõ một vấn đề tâm lý thường gặp khác của trẻ khi gia đình tan vỡ đó là: 'Thông thường, sau khi chia tay, người chăm sóc trẻ sẽ có ít nhiều các thái độ, hành vi như: Trở nên yêu thương quá mức, cưng chiều trẻ nhiều hơn vì họ nghĩ rằng đó là việc bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm của người đã rời bỏ gia đình.
Không những thế, có khi trẻ còn phải lắng nghe những lời lên án nặng nề đối với kẻ đã bỏ đi và trong nhiều trường hợp, thì trẻ lại trở thành một đứa con mà cả hai vợ chồng đều tìm mọi cách kéo về phe mình. Chính những 'mâu thuẫn hậu ly hôn' này mới làm cho những sang chấn của trẻ trở nên nặng nề và khiến trẻ dễ rơi vào khủng hoảng'.
Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, nếu được quyền nuôi dưỡng con sau khi chia tay, thì bố hay mẹ cũng phải duy trì các sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường cho trẻ. Không trở nên chiều chuộng hay nghiêm khắc hơn, không phê phán người vắng mặt và hãy từng bước giúp cho trẻ có được những kỹ năng tự lập, tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình càng sớm càng tốt. Không nhìn lại quá khứ mà hãy cùng trẻ vạch ra những kế hoạch cho cuộc sống tương lai.
Chính việc đặt cho trẻ những trách nhiệm cùng sự tự tin, để đồng hành với mình trong một gia đình đơn thân sẽ là những liều thuốc xoa dịu các chấn thương tâm lý cho trẻ, giúp trẻ trở nên mạnh mẽ biết đương đầu với cuộc sống trong tương lai.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!