Liên quan đến tình hình thời tiết dịp Tết Nguyên đán 2017, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Tết Đinh Dậu 2017 thời tiết miền Bắc không quá rét như đỉnh năm 2008, nhưng cũng không quá nóng.
Theo ông Hải, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 23-25 (26-28 tháng Chạp), Hà Nội và các tỉnh khu vực Bắc Bộ sáng sớm có mưa nhỏ và sương mù rải rác, nhiệt độ tăng chậm nhưng còn trong ngưỡng trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất từ 14 -17 độ C, cao nhất vào trưa chiều khoảng 19-22 độ C, khu vực Tây Bắc trên 23 độ C.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Từ 23 đến 27-1 (tức 30 Tết) thời tiết sẽ chuyển sang giai đoạn ấm dần nhưng nền nhiệt độ tăng rất chậm. Trời nhiều mây, đêm và sáng có mưa nhỏ, sương mù dày, nhiệt độ cao nhất 17-20 độ C về ban ngày, ban đêm thấp nhất ở mức 13-16 độ C.
Do trong tuần tới chưa có dấu hiệu cho thấy có thêm một đợt không khí lạnh nào tăng cường, nên trời cũng không ấm lên song cũng không quá rét.
Từ mùng 1 Tết (tức 28-1) đến hết mùng 5 Tết (tức 1-2-2017), thời tiết sẽ chuyển sang giai đoạn không khí lạnh suy yếu.
Từ ngày mùng 2 Tết trở đi, khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn về đêm và sáng hay còn gọi mưa xuân xuất hiện sớm nhưng không kéo dài, về trưa chiều trời hửng nắng.
Do vậy, nhiệt độ cao nhất ban ngày tăng nhẹ so với trước đó, ở mức 20-23 độ C, thấp nhất ban đêm ở mức 15-18 độ C, chỉ còn rét vào ban đêm và sáng sớm.
Đối với miền Trung nhiều khả năng có mưa, nhiệt độ tại các tỉnh miền Trung có xu hướng xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tây Nguyên và Nam Bộ có thể có dông, mưa rào trái mùa rải rác đầu kỳ nghỉ, sau thời tiết khô ráo.
Đối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, theo ông Hải, người dân sẽ đón Tết Nguyên đán 2017 trong tiết trời tương đối nóng.
TP. Hồ Chí Minh sẽ nóng, ngày nắng, đêm không mưa, trời oi, nhiệt độ cao nhất ban ngày lên mức 30-33 độ C, về ban đêm ở mức 24-27 độ C, một vài ngày có mưa rào và giông.
Còn theo TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa và hạn dài cũng cho biết, tuần nghỉ Tết sẽ ít có khả năng có không khí lạnh (KKL) mạnh ảnh hưởng tới nước ta và nhiệt độ ở các tỉnh miền Bắc sẽ cao hơn so với cùng kỳ, do đó, thuận tiện cho hoạt động vui chơi, giải trí.
Lý giải về việc, mùa đông 2016 người dân ở các tỉnh phía Bắc cảm thấy không lạnh, theo TS Lâm, nguyên nhân là do các đợt không khí lạnh tăng cường thường xuống khá sâu và khô.
Do đó, thời tiết miền Bắc chỉ rét về đêm, còn ban ngày trời quang mây và nắng.
Trước một số ý kiến cho rằng, mùa đông ở miền Bắc đang dần biến mất, TS Lâm đã bác bỏ và khẳng định, mùa đông ở miền Bắc sẽ không biến mất ít nhất trong 50-100 năm tới.
'Do biến đổi khí hậu, thời gian tới nhiệt độ có tăng lên, nhưng thực tế thường mùa đông sẽ vẫn lạnh hơn các mùa trong năm', TS Lâm nói.
Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng nhận định, trong tháng 2/2017, có thể xuất hiện một vài đợt rét đậm, kèm theo mưa, nhiệt độ tại Hà Nội có thể xuống mức thấp nhất 11-12 độ C như vừa qua.
Dự báo, trong tháng 2, có khả năng xảy ra 5 đợt không khí lạnh tràn xuống, trong đó 2 đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm, mỗi đợt kéo dài từ 3-5 ngày.
Và không loại trừ khả năng có thể xuất hiện tuyết rơi vào tháng 2-2017 tại một số điểm vùng cao như Sa Pa, Sìn Hồ, Mẫu Sơn, bởi như năm 2012, tháng 3 vẫn xảy ra tuyết rơi.
Khoảng đầu tháng 2 miền Bắc sẽ chuyển sang tiết trời lập xuân. Nhiều khả năng năm nay sẽ mưa phùn ẩm ướt hơn năm 2016.
Tuy nhiên, do việc dự báo càng xa, sai số càng lớn, vì thế lãnh đạo Trung tâm khuyến cáo, người dân nên cập nhật thường xuyên dự báo thời tiết theo ngày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!