Theo số liệu ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Global Cancer Observatory - GLOBOCAN), trong năm 2018, trên thế giới có gần 510.000 ca mắc bệnh ung thư hạch và gần 250.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Nhắc tới ung thư hạch, có thể bạn nghĩ nó chẳng liên quan đến nhau chút nào nhưng hóa ra nó lại là tên của một loại ung thư rất nguy hiểm mà không phải ai cũng biết tới.
Ung thư hạch (hay còn gọi là u lymphoma - ung thư hạch bạch huyết) đang ngày càng có xu hướng phát triển mạnh trong xã hội ngày nay. Đây là một bệnh ung thư xuất phát từ những khối u ác tính và không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người thường vô tình bỏ qua mà không biết.
Nguyên nhân từ đâu dẫn đến bệnh ung thư hạch?
Cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là do đâu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tầm soát nguy cơ mắc bệnh từ sớm thông qua một số yếu tố sau:
- Người bị thừa cân, béo phì.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu (do cấy ghép nội tạng, bẩm sinh hoặc nhiễm virus).
- Người mắc một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, Celiac...
- Người có tiền sử gia đình là người thân mắc bệnh ung thư hạch (gen di truyền).
- Người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất (benzen, các chất diệt côn trùng...).
Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư hạch ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) cũng có xu hướng tăng cao. Và tỷ lệ nam giới mắc bệnh này cũng nhiều hơn nữ giới.
Một vài dấu hiệu sớm giúp bạn nhận biết bệnh ung thư hạch:
Bệnh ung thư hạch có rất nhiều triệu chứng lâm sàng giống với một số bệnh lý thông thường. Vì vậy, nếu gặp phải một trong những dấu hiệu sau thì bạn không nên chủ quan bỏ qua:
- Nổi hạch ở cổ, nách hay bẹn (có thể nổi một hoặc nhiều hạch, các hạch này nổi lên sẽ phình to nhưng không gây đau nhức).
- Giảm cân đột ngột không rõ lý do.
- Thường xuyên bị sốt cao và tình trạng này kéo dài khoảng vài tuần.
- Hay bị khó thở, ho lâu ngày, đau tức lồng ngực.
- Luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy giảm sức đề kháng.
- Bụng đau nhói, phình to, có cảm giác đầy bụng.
- Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
- Ăn uống không ngon miệng.
- Da bị nổi ban đỏ, mụn nước, mưng mủ.
Ngoài ra, những người bị thiếu máu cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch rất cao. Dù là bất kỳ triệu chứng nào kể trên thì bạn cũng nên chủ động đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và có phương hướng điều trị bệnh kịp thời, đề phòng những khối u ác tính sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.
4 nguyên tắc mà bạn cần nắm rõ để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch:
Các chuyên gia cho biết, bệnh ung thư hạch nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là rất cao. Bởi ung thư hạch nằm trong số ít những bệnh ung thư có thể chữa khỏi, nhưng đừng vì thế mà chủ quan xem thường căn bệnh này. Việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh là điều vô cùng cần thiết và dưới đây chính là một số nguyên tắc quan trọng mà bạn cần nắm rõ:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung thường xuyên các loại rau xanh, trái cây, ngũ nguyên hạt, đồng thời giảm tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa.
- Tập luyện đều đặn hàng ngày:Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc rèn luyện thể lực có thể giúp tăng cường sức đề kháng và đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Nếu quá bận rộn thì bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút mỗi ngày để đi bộ hoặc tập một số bài tập tốt cho sức khỏe.
- Tránh tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất độc hại: Nếu môi trường làm việc của bạn bắt buộc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất từ benzen, thuốc diệt cỏ... thì nên chú ý mặc đồ bảo hộ lao động đầy đủ và đeo găng tay, khẩu trang che kín cơ thể.
- Duy trì mức cân nặng ổn định trong cơ thể:Những người thừa cân, béo phì thường có nguy cơ mắc các loại bệnh ung thư chứ không chỉ riêng ung thư hạch. Do đó, bạn nên giữ vững mức cân nặng của mình luôn ổn định bằng lối sống sinh hoạt lành mạnh, ăn ngủ đúng giờ, đúng giấc, hạn chế căng thẳng, áp lực quá mức.
Nguồn: Cancer, Health39, GCO
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!