Ngày 25/05, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết đã thực hiện thành công ca cấy điện cực ốc tai cho một bệnh nhi 7 tuổi (ngụ Đồng Nai).
Các bác sĩ cấy điện cực ốc tai cho bé gái 7 tuổi ở Đồng Nai. Ảnh: Phú Mỹ.
Đây là ca cấy điện cực ốc tai đầu tiên của bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng cùng đội ngũ gây mê hồi sức đã chuẩn bị chu đáo cho ca phẫu thuật tiến hành trong 2 tiếng. Sau mổ, bác sĩ kiểm tra các chỉ số hoạt động điện cực bằng cách đo trở kháng và trường (Impedance and Field Telemetry IFT) và đo đáp ứng thần kinh hạch xoắn ốc tai ART (Audio nerver Respond Telemetry) đều rất tốt. Ca phẫu thuật thành công đã mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc đời của bệnh nhi.
Sau một tháng, bệnh nhi có thể bắt đầu quá trình huấn luyện ngôn ngữ và tập nói để hòa nhập với cuộc sống.
Các bác sĩ bệnh viện cho biết trường hợp bé N bị điếc bẩm sinh, từ 2 tuổi đã được đeo máy trợ thính với công suất phù hợp. Tuy nhiên, trình độ phát triển ngôn ngữ của bé đến nay rất kém. Sự giao tiếp giữa bé và thế giới bên ngoài gặp rất nhiều trở ngại như không nghe được các phụ âm, với nhiều từ phải đoán qua cử động môi và chỉ giao tiếp được với người thân. Sự phát triển ngôn ngữ giao tiếp của bé N. chỉ tương đương với một bé 2 tuổi bình thường.
Sau phẫu thuật - bệnh nhân được chụp lại X-quang Stenvers để xác định điện cực đã được đặt đúng vị trí. Ảnh: BVCC.
Hơn 7 năm sống chung với bệnh tật, gia đình em đã tìm cố gắng tìm mọi cách để N. có thể nghe được. Sau khi khám lâm sàng kỹ lưỡng và lựa chọn các phương pháp phù hợp, các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng đã tư vấn thực hiện cấy điện cực ốc tai cho bé.
Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ thì có từ 3-5 trẻ bị điếc bẩm sinh. Những trẻ bị điếc nặng không thể học nói, không thể phát triển ngôn ngữ và còn bị nhiều hệ lụy về tâm lý khác như tự kỷ, thường bồn chồn, lo lắng hoặc cáu kỉnh, lãnh đạm, tính khí thất thường… Trẻ thường khổ sở do không thể giao tiếp với bên ngoài.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!