Vai trò của cha hoặc mẹ trong việc dạy con có nét đặc thù. Cha không thể thay mẹ và mẹ cũng không thể thay thế được cha. Cha mẹ cần quan tâm điều này nhiều hơn để tìm cách khắc phục, giúp con giảm bớt thiệt thòi.
Do đặc điểm nữ tính, phụ nữ thường gặp những khó khăn nhất định trong việc dạy con. Bởi họ thường nhạy cảm, dễ xúc động và do đó đôi khi không nhất quán. Con xin đi chơi xa với bạn, hôm trước mẹ nói 'không được' chắc như đinh đóng cột, nhưng hôm sau thấy con nài nỉ lại cho đi. Người mẹ thai nghén, người mẹ cưng nựng, người mẹ che chở, nhưng người mẹ có hạn chế trong việc dạy con.
Hãy quan sát một đứa trẻ học nói. Nó nói ngọng không ai hiểu, nhưng mẹ vẫn cười âu yếm và 'phiên dịch' lại cho mọi người nghe. Trong khi đó, ông bố thường nghiêm sắc mặt bắt nó phát âm lại kỳ được mới thôi. Cho nên nhìn bề ngoài, bố có vẻ dạy con học nói ít hơn nhưng đứa trẻ phát âm đúng phần lớn lại nhờ bố chứ không phải mẹ. Tất cả những việc dạy con tập đi xe đạp, tập bơi, làm toán, làm văn rồi sửa chữa đồ điện hay sử dụng máy vi tính đều thế.
Người bố thường không tạo điều kiện để con làm dễ dàng như mẹ, mà thích 'gây' cho con những tình huống khó khăn và bắt nó tự giải quyết. Khi cùng con chơi xếp hình, bố thường đưa cho con những hình không thể xếp vào được khiến đứa bé phải ngây người suy nghĩ, tìm tòi. Trong khi mẹ hay lựa sẵn những hình xếp vào ngay cho con đỡ 'vất vả' rồi mẹ con nhìn nhau cười sung sướng. Sự cứng rắn, kiên quyết đầy nam tính của người cha là cực kỳ quan trọng mà ít có người mẹ nào thay thế được. Điều tra của ngành giáo dục Hà Nội cho thấy, gần 70% học sinh giỏi từ cấp thành phố trở lên đều có một 'thầy giáo' ở nhà là bố, anh hay ông. Nghĩa là đàn ông chứ không phải phụ nữ, dù mẹ là giáo viên.
Ảnh minh họa: Internet
Tất nhiên, không phải bất kỳ người đàn ông nào cũng có đủ tài năng và nhân cách giáo dục con, nhưng chắc chắn tỷ lệ đàn ông kiên quyết hơn trong việc dạy con cao hơn phụ nữ. Nhà giáo dục nổi tiếng người Nga, V.D.Adislavski đưa ra lời khuyên: 'Nếu đứa trẻ không may rơi vào hoàn cảnh thiếu cha thì nên có một người đàn ông nào đó tham gia vào quá trình giáo dục nó cùng với mẹ. Người đó có thể là chú, bác, ông, một người họ hàng hay bạn bè, nhưng nên là đàn ông. Nếu không nó sẽ bị thiệt thòi, nhất là đối với con trai'.
Bé trai thường hay hiếu động và thích khám phá hơn con gái. Thế giới xung quanh mở ra trước mắt nó vô vàn điều khó hiểu, nó thèm khát một người lớn 'cái gì cũng biết' để trả lời hàng trăm câu hỏi của nó và người đó thường là bố. Có thể do mẹ ít có thời gian xem ti vi, đọc báo, lướt web như bố nên có hạn chế về loại kiến thức 'bách khoa toàn thư' này. Vì thế không phải người mẹ nào cũng trả lời được những câu hỏi của con như 'Tại sao có bão?', 'Sao con có 'chim' mà em lại không có?'... Những câu hỏi này không thể đáp một câu là xong mà cần thong thả giảng giải trẻ mới hiểu, trong khi mẹ còn tay năm tay mười bao nhiêu việc nên câu trả lời thường là: 'Hỏi gì hỏi lắm thế?', 'Ra kia chơi cho mẹ làm!'... Chính vì đàn ông ít tham gia việc nội trợ nên có nhiều thời gian thu nạp kiến thức và giảng giải cho con hơn.
Tuy nhiên, có những gia đình chỉ đầy đủ trên hình thức, có khi không bằng những gia đình chỉ có sự giáo dục của người mẹ. Khi đó, người mẹ cần tâm lý, hiểu được sự thiếu thốn giáo dục của con từ người cha, để thay đổi cách cư xử, cách dạy dỗ hàng ngày, phần nào bù đắp cho trẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!