Mới đây, trên mạng xã hội facebook đang truyền tay nhau hình ảnh gương mặt của một cô gái với đôi mắt sưng phù như bị phẫu thuật thẩm mỹ hỏng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cô bị dị ứng thuốc.
Theo lời của chủ tài khoản, cô bị dị ứng thuốc là do di truyền, hầu như cả dòng họ bên nội đều bị. Do đó, mỗi lần ai đó bị bệnh đều phải đắn đo rất nhiều lần mới quyết định uống hay không. Riêng cô gái, dù đã đắn đo cẩn thận lắm nhưng lần này dị ứng thuốc vẫn không buông tha cho cô, khiến nước mắt tự tuôn chảy và hình thành gương mặt sưng phù như này.
Mạng xã hội facebook đang truyền tay nhau hình ảnh gương mặt của một cô gái với đôi mắt sưng phù như bị phẫu thuật thẩm mỹ hỏng.
Đây thực sự là cơn ác mộng đối với nhiều người. Hãy thử tưởng tượng, một ngày nào đó, bạn bị ốm nặng nhưng không thể dùng thuốc vì dị ứng, nếu uống vào sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), dị ứng thuốc là sự phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với một loại thuốc nào đó.
'Tất cả những loại thuốc đều có khả năng gây dị ứng, trong đó hay gặp nhất vẫn là dị ứng thuốc kháng sinh. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào', chuyên gia khẳng định.
Làm sao để biết mình phản ứng với thuốc và cách xử trí trong tình huống này?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, để biết mình có phản ứng với thuốc theo cơ chế dị ứng thuốc hay không, bạn cần theo dõi sát sao các phản ứng sau khi uống thuốc. Dị ứng thuốc xảy ra có thể rất nhanh, ngay sau khi uống thuốc khoảng 2 giờ.
Trong khi đó, cơ chế dị ứng thuốc muộn là sau 10 ngày tiếp xúc với thuốc. Ngay khi có dấu hiệu phản ứng thuốc cần liên hệ với bác sĩ hoặc tới ngay trung tâm y tế để được xử lý đúng cách.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Khi bị dị ứng thuốc, ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như nổi mề đay, kích ứng trên da, nổi ban, buồn nôn, ói mửa. Ở mức độ nặng, bệnh nhân có biểu hiện về tim mạch, hạ huyết áp, cảm thấy khó thở. Một số trường hợp dị ứng thuốc nặng nề khác dẫn đến hội chứng Steven Johnson, hội chứng lyell làm bong rộp toàn thân... Thông thường, những kiểu dị ứng nặng này là do dị ứng thuốc động kinh.
Cụ thể, khi bị nổi mề đay, trên cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện những sẩn màu hồng, xung quanh viền đỏ, hình tròn hay bầu dục, to bằng hạt đậu hoặc đồng xu, có thể tạo thành từng mảng và gây ngứa. Đây là biểu hiện dị ứng thuốc nhẹ nhất.
Dị ứng thuốc với biểu hiện nổi mẩn, ban đỏ, ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình, có thể tạo thành mảng, gây ngứa… cần nghĩ ngay tới phản ứng dị ứng với thuốc mà bạn dùng. Tình trạng này có thể xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần.
Ở mức độ nặng, dị ứng thuốc có thể dẫn đến hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước hay còn gọi là hội chứng Stevens – Johnson. Hội chứng này có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc vài giờ đến nhiều ngày sau khi uống thuốc. Người bị dị ứng thuốc xuất hiện hội chứng này có biểu hiện mệt mỏi, ngứa khắp người, cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi các bọng nước trên da, các hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục có thể bị viêm loét, hoại tử niêm mạc, có thể đi kèm tổn thương gan thận, tình trạng quá nặng sẽ nhanh chóng tử vong.
Ngoài ra, bệnh nhân bị dị ứng nặng với thuốc có thể mắc hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell), có thể xuất hiện vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Bệnh nhân bị dị ứng thuốc mắc hội chứng có thể có biểu hiện người mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ, đôi khi có các chấm xuất huyết, vài ngày sau, (có khi sớm hơn), lớp thượng bì tách khỏi da, khẽ động tới là trợt da từng mảng giống như hội chứng bỏng toàn thân, cùng với tổn thất da có thể viêm gan, thận, tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn tới tử vong.
Làm sao để hạn chế tối đa dị ứng thuốc?
Theo chuyên gia, để hạn chế tối đa dị ứng thuốc, bệnh nhân cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nghiêm cấm dùng quá liều lượng, dùng kết hợp nhiều loại thuốc một lúc, dùng thuốc trong thời gian dài, dùng nhiều loại thuốc một lần mà không biết chúng phản ứng chéo, tương tác lẫn nhau.
Nếu bạn có tiền sử dị ứng bất cứ loại thuốc nào thì tốt nhất không bao giờ được dùng lại. Khi đi khám bệnh đừng quên chia sẻ cho bác sĩ tiền sử dị ứng của bản thân để có hướng lựa chọn thuốc phù hợp. Theo dõi sát sao phản ứng trong lần đầu uống bất cứ loại thuốc nào. Trong trường hợp đã bị dị ứng thuốc nên uống nhiều nước lọc và nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị, tránh nguy cơ sốc phản vệ, tử vong.
Các xét nghiệm nào dùng để chẩn đoán dị ứng thuốc?
Bước đầu tiên trong việc chẩn đoán dị ứng thuốc là khám lâm sàng chi tiết. Nếu nghi ngờ dị ứng thuốc, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để xác định chẩn đoán như sau:
- Các nghiệm pháp da
Tùy thuộc vào loại thuốc, bác sĩ có thể thực hiện nghiệm pháp lẩy da hoặc tiêm trong da. Trong nghiệm pháp lẩy da, các bác sĩ tiêm một lượng nhỏ thuốc vào, thường là vào da lưng hoặc cánh tay. Nếu bạn bị dị ứng, bạn sẽ có một vết sưng, hoặc viêm da đáng chú ý khác.
Xét nghiệm trong da có thể thử nghiệm các phản ứng dị ứng với penicillin và một số kháng sinh khác. Trong các xét nghiệm, các bác sĩ tiêm một lượng nhỏ các chất gây dị ứng ngay dưới da và theo dõi vùng phản ứng.
- Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể xác định liệu bạn có bị dị ứng với loại thuốc đang dùng hay không. Xét nghiệm máu có thể xác định dị ứng chỉ ở một số thuốc nhất định, ví dụ như một số thuốc kháng sinh, thuốc giãn cơ và insulin.
- Nghiệm pháp kích thích
Trong nghiệm pháp kích thích, bác sĩ sẽ cho tăng liều lượng thuốc được đưa ra theo một trình tự. Bạn có thể uống thuốc hoặc tiêm dưới da. Phản ứng bất kỳ chỉ có thể do bị dị ứng hoặc nhạy cảm với thuốc. Nếu phản ứng nhẹ, hoặc nếu không có phản ứng, thuốc có thể điều trị an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên nguy cơ của các xét nghiệm bao gồm các phản ứng nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến sốc phản vệ. Nghiệm pháp này chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và thường chỉ được thực hiện tại các trung tâm chuyên về dị ứng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!