Coi chừng đột tử ngày Tết khi mắc căn bệnh này

Thời sự - 04/18/2024

Nhiều người mắc đái tháo đường nhưngTết ăn nhậu quá đà hoặc chỉ uống quên ăn dẫn tới biến chứng gây tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết đột ngột có thể dẫn tới tử vong.

Coi chừng đột tử ngày Tết khi mắc căn bệnh này

Hôn mê do đái tháo đường ngày Tết

Hôn mê do biến chứng đái tháo đường

Theo ước tính ở Việt Nam có khoảng gần 4 triệu người mắc đái tháo đường và hiện nay có khoảng 60 % người bệnh bị đái tháo đường nhưng không được điều trị.

Người bệnh đái tháo đường cần kiểm tra đường máu hàng ngày, đặc biệt trong những ngày Tết. Ngày Tết thường ăn nhiều thực phẩm làm tăng đường máu như kẹo, bánh, mứt, bánh chưng, xôi, chè, rượu bia,… và quên sử dụng thuốc.

Theo TS BS Hoàng Kim Ước - Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong ngày Tết, sinh hoạt của người bệnh đái tháo đường thường bị thay đổi. Thay vì thói quen kiêng cữ hàng ngày thì người bệnh thường dùng nhiều hơn các thực phẩm làm tăng đường máu; thói quen luyện tập hàng ngày cũng có thể giảm đi; bệnh nhân thường quên sử dụng thuốc hay hết thuốc; ngại thử đường máu; con cái có thể ít quan tâm hơn đối với bố mẹ bị bệnh trong những ngày Tết là những yếu tố dễ làm người bệnh đái tháo đường nặng hơn và rơi vào tình trạng hôn mê do đái tháo đường, tình trạng cấp cứu nặng, dễ tử vong.

Bác sĩ Ước cho biết hôn mê do đái tháo đường có hai thể là hôn mê nhiễm toan ceton và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Đây là những biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường. Điểm đặc trưng của bệnh là thiếu hụt insuline nặng và đường máu tăng quá cao làm cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm toan, và hôn mê. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ bị tử vong.

Hôn mê nhiễm toan ceton (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1) thường diễn biến rất nhanh, trong vòng 24 giờ. Ngược lại, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2) lại diễn biến thầm lặng với các biểu hiện đái nhiều, khát nước, và sụt cân từ vài ngày trước khi nhập viện.

Biểu hiện sớm nhất của tình trạng này là đường máu của bệnh nhân tăng dần dẫn đến đái nhiều (nước tiểu màu vàng hoặc vàng sậm), khát nước, và sụt cân, các triệu chứng thần kinh ban đầu như thờ ơ, yếu/liệt nhẹ nửa người, giảm/mất thị lực một bên, tinh thần chậm chạp rồi dần dần đi vào hôn mê. Triệu chứng thần kinh thường phổ biến trong hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Ngược lại, trong hôn mê nhiễm toan ceton thì biểu hiện sớm thường là buồn nôn, nôn, đau bụng, thở sâu và nặng nề. Hơi thở có mùi acetone (giống mùi chất tẩy móng tay).

Khi người bệnh đái tháo đường có các biểu hiện trên lại kèm theo bỏ thuốc điều trị, có các bệnh đi kèm, thử đường máu nhanh thấy tăng cao (trên 19,4 mmol/L) thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.

Tránh hôn mê do đái tháo đường

Trong ngày Tết, tình trạng biến chứng gia tăng bởi người bệnh thường quên uống thuốc hoặc bỏ qua các lối sống hàng ngày như tập thể dục, thức khuya. Tâm lý xả hơi ngày Tết rất nguy hiểm cho bệnh nhân đái tháo đường.

TS Ước nhấn mạnh ngày Têt để tránh biến chứng do đái tháo đường, điều quan trọng nhất là người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sỹ đã kê đơn. Không được tự ý bớt thuốc, hoặc bỏ thuốc.

Một số bệnh nhân khi hết một loại thuốc này thì tự ý tăng liều các thuốc khác vẫn còn để bù là rất nguy hiểm, có thể làm đường máu tăng cao thêm hoặc gây hạ đường máu vì các thuốc điều trị đái tháo đường, kể cả các loại insulin đều có cơ chế tác dụng hạ đường huyết khác nhau. Bệnh nhân cần kiểm tra lại các thuốc đái tháo đường mình đang sử dụng nếu thiếu phải bổ sung ngay, tránh hết thuốc trong dịp Tết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!