Coi chừng mất mạng vì không biết sơ cứu khi bị rắn cắn

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Rất nhiều trường hợp bị rắn cắn đã nhờ đến sự trợ giúp của... thầy lang.

Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Cần Thơ, Bình Dương, TP.HCM... Chỉ trong vòng 3 tuần, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 111 ca bị cắn rắn với 80 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Được biết, một năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 800-1000 ca, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8. Khi bị rắn cắn, các biện pháp sơ cứu là hết sức quan trọng giúp tăng khả năng sống sót cho nạn nhân. Tuy nhiên, những cách xử lý sai có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thậm chí tử vong.

Tình trạng nguy kịch vì tìm thầy lang

Tháng 12/2014, bà Võ Thị Tẻ (69 tuổi, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, Bình Định) được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng chân trái sưng phù, huyết áp cao, từ vị trí vết thương lên đến giữa đùi bị xuất huyết bầm tím. Được biết, khi bị rắn cắn, bà đã đến thầy lang chữa trị. Người này đắp miếng thuốc tự chế lên vết thương của bà nhưng không khỏi. Kết quả là vết thương vẫn sưng phù và nọc độc lan rộng gây tình trạng rối loạn đông máu. May mắn thay, người nhà đã đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời nên giữ được tính mạng.

Coi chừng mất mạng vì không biết sơ cứu khi bị rắn cắn

Bà Tẻ được điều trị tại bệnh viện sau khi đắp lá bị rắn cắn (Ảnh: Vnexpress)

Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai từng cấp cứu cho một bệnh nhân nữ 18 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội bị rắn cắn gần mắt. Sau khi điều trị, bệnh nhân về nhà tiếp tục đắp thuốc thầy lang khiến vùng mắt sưng phù. Trước đó, một bệnh nhân khác nhập viện trong tình trạng hoại tử vết thương khiến tay co quắp lại. Sau khi tiến hành cấp cứu qua cơn nguy kịch, các bác sĩ khuyên bệnh nhân đến viện Bỏng để phẫu thuật ghép da nhưng người này đã về nhà đắp thuốc. Hành động này khiến cánh tay bị rắn cắn co quắp giống cành cây khô.

Không phải thầy lang nào cũng có khả năng điều trị vết rắn cắn. Do đó, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện để tiến hành các biện pháp cần thiết giúp loại bỏ tối đa độc tố, bảo đảm tính mạng. Bên cạnh đó, khi đã cấp cứu xong, bệnh nhân không nên tự ý đắp thuốc lạ lên vết thương có thể gây tình trạng nhiễm trùng, hoại tử, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Suýt chết vì chạy đi tìm rắn

Đầu tháng 12/2014, khi bị rắn cắn, bà Vương Thị Thân (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ băng vết thương rồi cùng con chạy quanh vườn tìm con vật để giết. Việc này khiến nọc độc phát tán nhanh làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tuần hoàn, gây tắc nghẽn mạch máu. Khi đến cấp cứu, tình trạng của nạn nhân vô cùng nguy kịch, hôn mê bất tỉnh, toàn thân tím tái. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ, nạn nhân đã qua khỏi.

Tuy vậy, việc cấp cứu muộn vẫn có thể để lại những di chứng xấu cho hệ tuần hoàn của nạn nhân. Vì vậy, tốt nhất là đến bệnh viện sau khi được sơ cứu thay vì vận động mạnh. Việc tìm rắn để giết không giúp bạn chữa được độc mà còn tăng nguy cơ tử vong, nhất là khi bạn chỉ có một mình.

Coi chừng mất mạng vì không biết sơ cứu khi bị rắn cắn

Xử lý vết thương rắn cắn sai cách có thể nguy hiểm đến tính mạng (Ảnh minh họa: Internet)

Cắt ngón tay vẫn không hết độc

Năm 2012, do dùng tay không bắt rắn, Nguyễn Văn Quỳnh (Minh Đức, Phổ Yên, Thái Nguyên) đã bị rắn cắn vào ngón tay, ngay lập tức, anh ta chặt ngón tay đi. Sau đó, phát hiện con rắn đã ăn một con chuột nên nghĩ nọc độc đã giảm nên đã gắn ngón tay vừa chặt lại. Không may, nọc độc vẫn chạy từ ngón tay bị chặt vào các bộ phận trong cơ thể. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng liệt hô hấp, liệt cơ, phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai cả tháng trời.

Khi bị rắn cắn vào ngón tay hay ngón chân, việc cắt đứt những bộ phận này là hoàn toàn không nên. Việc này gây khó khăn cho quá trình điều trị, sinh hoạt, ghép nối sau này.

Cách thức sơ cứu

Khi bị rắn cắn, cả người cứu và nạn nhân cần giữ tinh thần bình tĩnh, tránh vận động mạnh khiến nọc độc phát tán nhanh, tuyệt đối không để nạn nhân tự đi lại. Dù chưa xác định được loại rắn vừa tấn công nhưng cũng nên rửa vết thương, bất động chi bằng nẹp.

Tuy nhiên, nếu bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tuyệt đối không dùng biện pháp băng ép bất động. Theo BS. Nguyễn Văn An - Chuyên khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định: 'Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, quan trọng là cần bình tĩnh, nằm bất động, để phần cơ thể hay phần chi bị cắn thấp hơn tim tối đa có thể, tháo toàn bộ đồ trang sức trên tay, chân để tránh bị chèn ép khi chi bị sưng nề sau đó tiến hành dùng băng cuộn hoặc những miếng vải buộc lại với nhau thành dải dài rồi cuốn quanh chi bị cắn, mức độ chặt vừa phải sau đó dùng nẹp để nẹp cố định chi. Băng chặt vừa phải là băng chặt tay nhưng các đầu chi vẫn còn hồng. Nếu băng quá chặt sẽ trở thành garo chi sẽ có nguy cơ hoại tử chi dẫn tới cắt cụt chi hoặc hội chứng nhiễm độc nặng khi tháo garo. Băng cuốn quanh chi và bất động sẽ làm chậm hấp thu nọc độc vào cơ thể, càng vận động nhiều nọc độc xâm nhập vào cơ thể càng nhanh và nhiều. Sau khi băng và nẹp cố định, cần khẩn trương đưa người bị rắn cắn tới cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, tự thở được thì cần đưa bệnh nhân tới các trung tâm chống độc hoặc các bệnh viện các chuyên khoa chống độc. Nếu bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, tuần hoàn hay có biểu hiện yếu liệt chân tay thì cần phải đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để tiến hành sơ cứu kiểm soát đường thở và tuần hoàn cho bệnh nhân trước khi chuyển đến tuyến chuyên khoa'.

Ngoài ra, BS. Nguyễn Văn An cho biết thêm: 'Khi bị rắn lục cắn cần tránh chích rạch và nắn máu tại vết cắn vì như vậy sẽ làm cho độc tố lan truyền nhanh hơn và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hơn. Tuyệt đối không được đến các thầy lang để đắp thuốc đắp lá vì đến bệnh viện càng chậm nguy cơ tử vong càng cao'.

>> Xem thêm: 

TP.HCM: Rắn lục đuôi đỏ đe dọa các khu dân cư

Cách phòng tránh rắn xâm nhập vào nhà

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!