Người lao động đưa tin, viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa công bố kết quả xét nghiệm mẫu đất lấy ở độ sâu dưới 90 cm trong khu vực sinh hoạt của gia đình tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn - có 3 trẻ tử vong vì nhiễm khuẩn Whitmore.
Mẫu đất ở gia đình hai anh em ruột tử vong vì Whitmore được phát hiện có vi khuẩn gây bệnh. Ảnh minh họa
Theo đó, trong số 2 mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao quanh nhà, qua xét nghiệm, có một mẫu đất phát hiện vi khuẩn này.
'Nguồn truyền bệnh cho các cháu bé là từ đất hay nước ô nhiễm gây nên, bệnh tản phát riêng lẻ từng cá thể, không thành dịch', bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, xác định. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bệnh Whitmore lây từ người sang người.
'Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Những người có vết xước ngoài da, mắc các bệnh lý mãn tính nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất trong quá trình sinh hoạt hàng ngày (phải đeo găng tay bảo hộ, ủng bảo hộ...)'- bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Vi khuẩn whitmore gây chết người có thể lây nhiễm qua vết thương hở.
Pháp luật Việt Nam dẫn thông tin từ cục Y tế Dự phòng cho biết, biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Để chủ động phòng bệnh, cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!