Các tổn thương này có thể hồi phục nếu giải quyết nhanh, thận hết ứ nước. Trái lại, nếu thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm rất quan trọng.
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây ứ nước ở thận: sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản; nếu là sỏi nhỏ, nó di chuyển từ thận xuống bàng quang, nhưng nếu hòn sỏi quá to sẽ gây tắc nghẽn niệu quản, làm cho nước tiểu ứ lại trên chỗ tắc; trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản bị tắc, không xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, giãn to. Niệu quản bị hẹp do vết sẹo mổ lấy sỏi thận trước đó cũng gây tắc nghẽn làm thận ứ nước. Ung thư bàng quang, sỏi bàng quang, cổ bàng quang co bất thường cũng gây tắc nghẽn lối nước tiểu từ quàng quang ra niệu đạo, kết quả là nước tiểu ứ lại từ bàng quang, làm thận bị ứ nước. Niệu đạo hẹp do bị viêm nhiễm, do sỏi cũng gây ứ nước thận.
Các khối u từ bên ngoài đường tiết niệu chèn ép niệu quản và ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, phụ nữ mang thai, sa tử cung... Rối loạn chức năng của bàng quang do u não, tổn thương tủy sống hoặc những khối u, bệnh đa xơ cứng và bệnh đái tháo đường... gây trào ngược bàng quang niệu quản làm thận ứ nước.
Thận ứ nước có thể gây suy giảm chức năng thận và gây tổn thương cấu trúc tế bào thận.
Dấu hiệu của thận ứ nước
Biểu hiện của thận ứ nước tùy thuộc vào sự tắc nghẽn là cấp tính hay mạn tính, tắc một bên hay tắc hai bên, vị trí tắc thấp hay cao, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ ứ nước đơn thuần. Nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm hay khám sức khỏe định kỳ, hoặc người bệnh đi khám vì nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận.
Hay gặp nhất là đau mỏi, tức hông lưng do thận bị căng giãn. Đau thường khởi phát khu trú ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống, ra sau. Có thể đau 2 bên nếu tắc nghẽn cả 2 bên và đau tăng lên khi có nhiễm trùng. Người bệnh có thể bị sốt rét run từng đợt khi có nhiễm khuẩn.
Có thể bị rối loạn đi tiểu như tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, tiểu máu, tiểu đục nếu có nhiễm khuẩn. Thận to là dấu hiệu thường gặp, có thể phát hiện qua khám lâm sàng. Thay đổi số lượng nước tiểu, có thể tăng lên trên 2 lít/ngày hoặc tiểu ít, vô niệu nếu tắc nghẽn niệu quản hoàn toàn cả hai bên.
Ngoài ra, người bệnh bị tăng huyết áp, một số người bệnh có biểu hiện của suy giảm chức năng thận nặng và không hồi phục là phù, da xanh, niêm mạc nhợt biểu hiện tình trạng thiếu máu.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán sớm thận ứ nước là rất quan trọng vì đa số trường hợp tắc có thể điều trị được và nếu chậm trễ trong điều trị có thể gây tổn thương thận không phục hồi. Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân bị thận ứ nước là dựa vào triệu chứng của bệnh nhân hoặc dưa vào dấu hiệu khi khám thực thể. Một quả thận bị ứ nước đôi khi có thể sờ được ở vùng hông. Đặc biệt là thận bị ứ nước nhiều ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người gầy. Một bàng quang trướng lên đôi khi có thể sờ được ở vùng bụng dưới. Bác sĩ cũng có thể dựa vào xét nghiệm để chẩn đoán. Đặt ống dẫn lưu bàng quang thường là nghiệm pháp chẩn đoán đầu tiên được tiến hành ở bệnh nhân có cơn đau quặn thận, cảm giác đè nén ở vùng chậu hoặc trướng bụng.
Về điều trị, tùy tình trạng toàn thân của người bệnh, mức độ ứ nước, nguyên nhân gây ứ nước và chức năng thận suy giảm cấp tính hay mạn tính mà có phương pháp điều trị thích hợp cho từng người bệnh. Phương pháp điều trị thường dùng thuốc, phẫu thuật, dẫn lưu bể thận qua da, cắt bỏ thận, điều trị thận thay thế... để loại bỏ các yếu tố gây tắc nghẽn.
Để phòng ngừa bệnh thận ứ nước, cần chú ý không nên nhịn tiểu. Nên duy trì khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt lưu ý ở các trường hợp có sỏi thận, u bướu vùng hố chậu...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!