Cốt khí củ có ở Sa Pa, mọc hoang ở đồi núi, ven đường; được trồng lấy rễ củ làm thuốc.
Cốt khí củ thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8, 9). Đào về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát; thái mỏng, phơi hay sấy khô. Cao cốt khí có tác dụng giải nhiệt và giảm đau khi thử nghiệm trên chuột (chuột nhắt, chuột cống); có tác dụng bảo vệ màng dạ dày khỏi bị loét do stress; hơi ức chế tiết dịch vị dạ dày; không có tác dụng lên huyết áp nhưng có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Cốt khí củ có khả năng làm lành vết bỏng bằng tăng cường hệ miễn nhiễm và chức năng tim do có chất tăng cường chức năng tuần hoàn vi mạch huyết quản và tim trong shock do bỏng.
Theo Đông y, cốt khí củ vị ngọt đắng, tính mát; vào tâm, thận. Tác dụng khu phong trừ thấp, lợi tiểu, hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, giải độc. Kinh nghiệm dân gian, cốt khí củ có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chữa tê thấp, đau lưng, đau mình, ứ huyết, ngã sưng đau, kinh nguyệt bế...
Cốt khí củ tác dụng khu phong trừ thấp, thông kinh giảm đau, trị đau lưng, phong thấp...
Chữa đau lưng:cốt khí củ 12g, dây đau xương 12g, rễ lá lốt 12g, cỏ xước 12g, nhân trần 8g, cam thảo Nam 8g, mã đề 8g, quế chi 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa phong thấp đau nhức xương: cốt khí củ 12g, đơn gối hạc 12g, cỏ xước 8g, hy thiêm 8g, uy linh tiên 6g, binh lang 6g. Các vị sao vàng hạ thổ. Sắc uống trong ngày. Uống 7-10 ngày.
Trị thương tích, ứ máu, đau bụng:cốt khí củ 20g, lá móng 16g. Sắc lấy nước, pha thêm ít rượu để uống trong ngày.
Chữa sưng vú: cốt khí củ 12g, cốt khí muồng 12g, rễ lá lốt 10g, bồ công anh rễ 10g, bạch truật 8g. Sắc uống trong ngày.
Lưu ý: tránh nhầm lẫn cốt khí củ với cốt khí muồng (hay cốt khí hạt), cốt khí thân trắng, cốt khí thân tím, cốt khí dây.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!