Bộ Y tế ra mắt công cụ ứng dụng công nghệ số 'Ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường (Diabetes Journey)'. Đây là một ứng dụng kỹ thuật số giúp bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán và điệu trị hiệu quả bệnh đái tháo đường theo hướng cá thể hóa cho từng bệnh nhân.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường, một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động do Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 14/11 nhằm hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới.
Tại buổi họp, ThS.BS Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết Việt Nam hiện có khoảng 3,5 người mắc bệnh đái tháo đường. Dự báo con số này có thể tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Tuy nhiên chỉ có trên 2/3 số bệnh nhân không được chẩn đoán.
Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Trong đó, phần lớn bệnh nhân không đạt được đầy đủ các mục tiêu điều trị. Số liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì gần sáu người bị biến chứng do đái tháo đường.
“Tỷ lệ người bệnh không được chẩn đoán cao hơn rất nhiều một số quốc gia trên thế giới. Trên cộng đồng còn nhiều người không hề biết bản thân mình đang bị đái tháo đường”- BS Vân Ngọc nói.
Bệnh đái tháo đường có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng tiến triển của bệnh như dinh dưỡng, vận động thể lực, rượu bia, thuốc lá, bệnh mạn tính… Khi để xảy ra biến chứng thì chi phí điều trị tăng gấp 2-4 lần.
“Thách thức hiện nay là tính tuân thủ điều trị của người bệnh chưa cao. Với các bác sĩ dù đã có hướng dẫn chẩn đoán điều trị song chưa kê đơn tối ưu cho người bệnh, đúng thuốc, đúng liều hướng dẫn… Điều trị bệnh là vấn đề phức tạp, cần cá thể hoá dựa trên từng yếu tố nguy cơ, bệnh mạn tính kèm theo… từ đó lập kế hoach điều trị cụ thể theo từng bệnh nhân”- Ths.BS Vân Ngọc phân tích.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng nhấn mạnh căn bệnh thế kỷ đái tháo đường đang gia tăng trên thế giới và Việt Nam. Số lượng người bệnh tiếp tục gia tăng, số người được phát hiện, chưa được điều trị hoặc không tuân thủ điều trị vẫn còn nhiều.
Vì thế, nhằm tăng cường áp dụng đúng theo các hướng dẫn chuyên môn, Bộ Y tế phối hợp phát triển ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động. Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đã được Bộ Y tế phê duyệt. Kết quả không chỉ đưa ra các chỉ dẫn về chẩn đoán khách quan mà còn đề xuất các lựa chọn điều trị để bác sĩ quyết định lựa chọn.
Ứng dụng này để các thầy thuốc sử dụng miễn phí, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn tốt hơn cho y bác sĩ, nhất là ở tuyến cơ sở.
'Điều trị bệnh đái tháo đường là một quá trình phức tạp. Với các tính năng tương tác của ứng dụng sẽ cải thiện việc học của các bác sĩ theo hướng dẫn điều trị bệnh này tại Việt Nam, nâng cao sự tự tin của bác sĩ trong quản lý, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2'- PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết – Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết bác sĩ nhập vào các số liệu đầu vào như chỉ số đường huyết, tốc độ lọc cầu thận (chỉ số rất quan trọng khi lựa chọn thuốc), các bệnh mạn tính kèm theo… từ đó ứng dụng sẽ đưa ra các cân nhắc lựa chọn thuốc khác.
Ứng dụng này cũng sẽ nhắc bác sĩ và bệnh nhân một số biện pháp điều trị bệnh. Ví dụ với chỉ số đường huyết là 8,6mmol/l thì phần mềm phiên giải ra kết quả là bệnh đái tháo đường, kèm thêm khuyến cáo nên nhịn ăn ít nhất tám giờ, bắt đầu thay đổi lối sống và cần điều trị… Ngoài ra, phần mềm có thể giúp cảnh báo nếu sử dụng loại thuốc này có thể gặp tác dụng phụ gì …
“Phần mềm chỉ có giá trị khuyến cáo bác sĩ mà không thay thế hoàn toàn. Đây không phải bác sĩ người máy, cứ nhập dữ liệu vào là ra kết quả, mà vẫn đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn”- PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nói.
Để tăng cường công tác phòng, chống đái tháo đường tại Việt Nam, hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường, Bộ Y tế kêu gọi các hành động:
Mỗi người dân: hãy có trách nhiệm với sức khỏe của chính chúng ta; chú ý và duy trì lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh khác; và đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Đối với nhân viên y tế, nhiệm vụ là nâng cao nhận thức và kiến thức về bệnh này cho mọi người và nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân để tư vấn, điều trị và quản lý bệnh hiệu quả, sử dụng nguồn lực y tế khác nhau như các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, ưng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường… trong chẩn đoán và điều trị.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, làm cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường trở thành ưu tiên của ngành y tế; và thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để ngăn ngừa và quản lý bệnh và bảo vệ người dân của chúng ta khỏi bệnh đái tháo đường hoặc tạo môi trường để người bệnh sống một cuộc sống lành mạnh với căn bệnh này.
Bộ Y tế kêu gọi tất cả các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức đoàn thể và mọi người bảo vệ gia đình họ khỏi nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và kiểm soát tốt hơn căn bệnh này và cùng nhau hành động để thay đổi tương lai của bệnh này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!