Cua đá biển: Đặc sản cần phải dè chừng

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Cua đá biển thường dễ bị nhiễm độc và ấu trùng sán, có thể xâm nhập vào trong, gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe.

Ăn cua đá biển, cẩn thận hại thân

Ngày 27-5 vừa qua, tại tỉnh Quảng Trị, đã xảy ra một vụ ngộ độc khiến bé trai 10 tuổi tử vong. Nguyên nhân là do cháu bé ăn cua đá biển, được người thân mua từ đảo Cồn Cỏ về. Chỉ khoảng 15 phút sau khi ăn, bé trai đã có biểu hiện ngộ độc và tử vong ngay sau đó.

Cua đá biển vốn là đặc sản của một số vùng biển nổi tiếng của nước ta như: Cù Lao Chàm, đảo Cồn Cỏ… Đây là loại cua thường sống trên những rặng núi, chủ yếu ăn lá cây rừng ven suối để tồn tại. Đến mùa sinh sản, cua đá mới xuống biển để đẻ trứng. Mai và các chi của cua đá là màu nâu tím, phần bụng dưới vàng ươm.

Cua đá biển hiếm và rất khó bắt, thịt có vị ngọt thanh nên trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên trong quá trình chế biến và sử dụng, món ăn này đã vô tình gây nên những tiêu cực về mặt sức khỏe và có thể để lại hậu quả đáng tiếc như trên.

Cua đá biển: Đặc sản cần phải dè chừng

Cua đá biển vốn là đặc sản của một số vùng biển nổi tiếng của nước ta như: Cù Lao Chàm, đảo Cồn Cỏ… (Ảnh minh họa: Internet)

Những nguy hại sức khỏe khi ăn cua đá biển

Rất dễ bị ngộc độc

Thức ăn của cua đá vốn là những loại lá, cỏ cây rừng mọc dại quanh những rặng núi. Tất yếu sẽ xảy ra trường hợp cua đá ăn phải lá độc, thậm chí có thể bị nhiễm nọc độc của rắn trong rừng.

Điều này dẫn đến việc những thớ thịt cua tưởng chừng như thơm ngon, hấp dẫn lại bị nhiễm độc tố, Khi ăn phải sẽ gây nên những triệu chứng ngộ độc nguy hiểm như: Đau bụng, nôn mửa, đau đầu hay tim đập nhanh. Nếu không phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.

Nhiễm sán lá phổi

Cua đá biển vốn sinh sống trong môi trường rừng núi nên điều kiện sinh tồn và phát triển thường không được đảm bảo về mặt an toàn vệ sinh. Khi chúng ta sơ chế không cẩn thận cũng như chế biến không được chín kỹ sẽ dễ dàng mắc bệnh sán lá phổi. Bởi vì theo một số nghiên cứu trong nước đã nhận thấy rằng phần lớn cua đá biển đều chứa ấu trùng sán lá phổi.

Những ấu trùng sán khi thâm nhập vào một số cơ quan nội tạng của cua đá sẽ làm tổ ở đó. Khoảng thời gian từ khi con người ăn cua đá biển chứa phải ấu trùng đến khi sán trưởng thành là 5 - 6 tuần. Khi bị nhiễm bệnh, ngoài phổi ra, sán có thể kí sinh ở một số cơ quan khác như não và màng não, tim, tuỷ sống hay cơ ngực.

Cua đá biển: Đặc sản cần phải dè chừng

Cua đá biển vốn sinh sống trong môi trường rừng núi nên điều kiện sinh tồn và phát triển thường không được đảm bảo về mặt an toàn vệ sinh (Ảnh minh họa: Internet)

Người ăn bị nhiễm sán lá phổi có thể bị liệt nửa người, liệt mặt, thậm chí tử vong. Đấy là còn chưa kể triệu chứng người bệnh nhiễm sán lá phổi giống với một số bệnh khác như bệnh lao, dễ chẩn đoán sai bệnh, giải pháp điều trị không đúng, để lại những hậu quả khôn lường.

Ăn cua đá biển thế nào cho đúng?

- Tuyệt đối không được ăn cua đá biển còn sống hoặc nấu chưa chín kỹ, ăn tái hay ăn gỏi cua. Trong quá trình luộc cua, bạn phải đun sôi ít nhất tầm khoảng 20 - 30 phút, tránh ăn cua nướng vì có thể những thớ thịt cua bị nhiễm sán vẫn chưa được khử trùng.

- Không ăn cua đá biển đã được nấu chín để bên ngoài không gian quá lâu. Thịt cua để lâu sẽ dễ bị hỏng, ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Bạn nên ăn cua ngay khi còn nóng. Nếu ăn không hết có thể để phần dư bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi sạch sẽ, thoáng đãng. Lưu ý là trước khi ăn bắt buộc phải đun nấu lại thật kỹ càng.

- Không ăn cua đá biển đã bị chết vì có thể vào lúc này, các loại vi khuẩn đang phát triển mạnh trong cơ thể cua, khi sử dụng dễ bị ngộ độc. Chính vì vậy, nếu mua phải cua đá biển đã chết thì hãy loại bỏ ngay.

>>> Xem thêm: Ăn cua đá: Một bé nguy kịch, một bé tử vong

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!