PV: Thưa ông, chủ đề của Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm nay là 'Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS' có ý nghĩa như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề 'Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS' mang nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hiện nay xu hướng thế giới phẳng, người đã nhiễm HIV thậm chí vẫn không chẩn đoán được (trong giai đoạn cửa số) nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đoán di chuyển hay cách ly. Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS.
Tương tự vậy, ở phạm vi nhỏ hơn là một quốc gia, một tỉnh, thành phố hay nhỏ hơn là một gia đình, chúng ta không thể dùng các biện pháp cách ly để dập dịch như với nhiều dịch khác. Hơn nữa, các giải pháp kiểm soát dịch ngoài việc lấy ngành y tế là chủ đạo thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc lãnh đạo chỉ đạo chương trình đến dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử v.v... nếu chỉ ngành y tế thực hiện sẽ không thể thành công.
Thứ hai, nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Liên Hiệp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Thực tế Việt Nam năm 2018 kết quả ba mục tiêu này là 80-70-95. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
PV:Xét nghiệm HIV là đầu vào cho các mục tiêu 90-90-90. Hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS có giải pháp căn cơ nào để thực hiện mục tiêu này?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Chúng tôi đã thực hiện 6 giải pháp, cụ thể đó là: Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đặc biệt là dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV: tính sẵn có, đơn giản, bảo mật, thân thiện
Đẩy mạnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ y tế thôn bản, xã phường, các nhóm tự lực cộng đồng, triển khai tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV tại 1340 cơ sở.
Triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm mới: lần theo dấu vết của người nhiễm HIV để thông báo và tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích chung của người nhiễm HIV, khuyến khích người nhiễm HIV giới thiệu những người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm.
Mở rộng hệ thống phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính, hiện tại có 152 phòng xét nghiệm tại 63/63 tỉnh thành phố và 44 huyện. Áp dụng những kỹ thuật mới của thế giới trong xét nghiệm sàng lọc đảm bảo nhanh, chính xác, an toàn: xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, xét nghiệm dịch miệng. Giới thiệu dịch vụ kết nối sẵn có đa dạng sau xét nghiệm HIV như: điều trị MMT, PrEP, ARV, dịch vụ dự phòng khác BCS, BKT...
PV: Dù đã thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn HIV, thế nhưng trên thực tế, mỗi năm chúng ta vẫn ghi nhận khá nhiều ca mắc mới, ông có thể chia sẻ về điều này?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (39,4%) và 30 - 39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.
Tính đến hết 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.
Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm Nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm thay vào đó tỷ lệ này nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV. Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
PV: Vậy chúng ta cần thực hiện các giải pháp căn cơ nào để hướng đến mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Chúng tôi xác định cần thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên hơn các giải pháp như sau: Đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS; Triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng , bạn tình của người nhiễm, MSM, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Cùng với đó là đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV: xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế thông bản hoặc tổ chức cộng đồng thực hiện, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV. Mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV, đặc biệt phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện đảm bảo việc chuyển gửi xét nghiệm khẳng định cho kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính không quá 24 giờ.
Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững, sẵn có và dễ tiếp cận; nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Nâng cấp hệ thống báo cáo ca bệnh thành hệ thống giám sát ca bệnh; củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia bảo đảm đầy đủ, kịp thời và dễ tiếp cận.
Xin cảm ơn ông!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!