Cuộc chiến bảo vệ con đâu phải chỉ có riêng mình mẹ! Hồi hôm, tôi viết bài: 'Bớt một ly bia, về sớm với con' và đón nhận cả một 'cơn bão' chị em tag nhắn gửi các bố. Tôi vẫn nghĩ phụ nữ chỉ đơn độc trong việc gìn giữ hôn nhân nhưng hóa ra nhiều phụ nữ đơn độc cả trong việc chăm sóc con, dạy con. Nhất là đọc phải những comment của vài người cha bị mẹ tag: 'Thằng nhà báo viết vớ vẩn! Bố nào chả biết thương con'. Thậm chí có bố còn nói: 'Việc các người mẹ đứng đơn tố cáo con bị xâm hại tình dục là do luật yêu cầu và mẹ đứng đơn sẽ tạo sức mạnh hơn...'. (?)
Có gì phải nghĩ không?
Tôi thật không biết có luật nào yêu cầu người mẹ đứng đơn như thế? Nếu có thì đó là luật của trái tim, trái tim người mẹ! Không! Tôi không phán xét tình yêu dành cho con của bố và của mẹ ai hơn ai! Tôi biết nhiều ông bố yêu con có khi còn hơn yêu cả vợ. Tôi từng đi nói chuyện ở nhiều trường về các chủ đề dạy con và bên dưới khán giả nghe thì cũng già nửa là các bố đi cùng mẹ (trong khi các cuộc nói chuyện về giữ lửa hôn nhân thì số các anh chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay). Thế nên, không thể nói rằng bài viết hồi hôm của tôi là nói các bố vô tâm trong cuộc chiến chống xâm hại tình dục ở trẻ em.
Chỉ là nhiều bố đã làm cho nó đúng, bài báo ấy, bằng việc bao biện cho việc thảy con cho vợ, việc mình là kiếm tiền để cho con học trường xịn nhất, mặc quần áo đẹp nhất, ăn những loại sữa xịn nhất...
Bạn có nghĩ như tôi không?
Đúng là mỗi người có một cách yêu con khác nhau. Không thể nói tôi yêu con nhiều hơn anh yêu con, anh chăm con giỏi hơn tôi chăm con. Càng không thể nói 'bố nhà người ta' thế này thế nọ. Cơ mà các bố quên rằng có một cái thước đo không đổi: Thời gian. Ai cũng chỉ có 24h mỗi ngày - 7 ngày mỗi tuần. Không ai hơn và chẳng ai kém. Doanh nhân nghìn tỷ hay ông bố đạp xích lô đều có khối tài sản thời gian giống nhau. Đừng đổ lỗi phải mưu sinh nên ông bố đạp xích lô sẽ ít thời gian hơn ông bố doanh nhân nghìn tỷ. Không biết ai ít thời gian hơn ai đâu. Chỉ là sự ưu tiên các anh đặt vào đâu trong việc sử dụng 24 tiếng mỗi ngày.
Cũng có những ông bố nghìn tỷ đi tiếp khách cả ngày, cuối tuần lại bận ngoại giao tại sân golf. Cũng như có những ông bố ngồi cày game cả ngày vì chán cái đời này. Thế nên việc lớn lên cùng con vốn là chuyện của mỗi người không liên quan gì đến sự nghiệp hay tiền bạc, địa vị xã hội hay hoàn cảnh. Nó chỉ là bố dành bao nhiêu thời gian cho con một cách thực sự có tính giờ hiện diện. Nó chỉ là anh có để tâm đến con mình không hay chỉ để mắt đến chúng theo kiểu nó không ốm không sốt thì có gì phải nghĩ?
Đó chính xác là điều con cần, các ông bố ạ!
Tôi không tự nhận mình yêu con hơn ai. Tôi cũng không khẳng định tôi đã là một người cha tốt. Nhưng hồi hôm, bài báo ấy, tiếc thay tôi đã trở thành kẻ bị các ông chồng ghét nhất Việt Nam. Thậm chí còn bị coi là 'kẻ đốt nhà số 1'. Là bởi nhiều ông bố tự cho mình quyền được nghỉ xả hơi vì mình vất vả (thậm chí có ông bố còn nghỉ xả hơi đến 8 tiếng/ ngày chưa kể 8 tiếng nơi công sở, chỉ còn 8 tiếng về nhà để... ngủ và quát con nếu con ầm ĩ khiến bố không ngủ được). Là bởi người ta vẫn ra rả nói với nhau: Con hư tại mẹ - cháu hư tại bà. Chứ thông minh thì lúc nào chả như bố. Chứ bố lúc nào cũng là thuyền trưởng lèo lái ngôi nhà này. Con mà không có cái gì giống bố là bị coi thành con ông hàng xóm rồi.
Ngay trong cuộc chiến chống xâm hại tình dục trẻ em, thứ mà nhiều ông chồng đang làm là đòi thiến hoạn lũ bệnh hoạn ấu dâm kiểu xử lý của đàn ông với nhau. Hay thảy về một đống cách phòng chống xâm hại tình dục cho mẹ nó đọc mà biết cách. Trong khi thứ con cái cần là thời gian bố dành cho con. Thứ mà con cái cần là sự kiên nhẫn của bố khi nghe con nói chuyện. Thứ mà con cái cần là bố mẹ chúng hạnh phúc bên nhau cùng đi chơi với con cuối tuần. Thứ mà con cái cần là mẹ chúng không đơn độc...
Thứ mà con cần: đó là thời gian bố dành cho con.
Tôi thì thế nào cũng được! Các anh có thể chửi tôi là kẻ chuyên đi nịnh đầm phụ nữ, viết những gì phụ nữ muốn nghe. Nhưng gia đình là của các anh, vợ là của các anh, con là của các anh. Đừng 'để sau đi' những mong đợi của các con. Đừng 'để mai tính' những chờ mong của vợ. Đừng 'ngày rộng tháng dài, cơm không ăn gạo còn đó' với tuổi thơ của các con. Và đừng 'bận lắm, để khi khác' với mỗi ngày còn được con mong bố về. Thôi thì, 'nốt ly bia này', nếu lỡ đang uống chứ đừng là 'thêm ly bia nữa rồi tính'! Thôi thì, bắt đầu làm bố lại từ đầu, sai đâu sửa đó chứ đừng là 'nói thì dễ - làm mới khó'. Tào Tháo dùng mẹo 'phía trước là rừng mơ' khi quân lính đang khát nước chứ các ông chồng đừng cho vợ con mình ăn 'bánh vẽ' vào một ngày mai bố sẽ dành nhiều thời gian hơn cho mẹ nó và các con! Sao không ngay và luôn từ lúc này???
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!