Mới đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu thành công trường hợp mất ý thức do viêm não cấp. Bệnh nhân là cháu Hoàng Văn C., 15 tuổi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Cuộc hành trình qua ba bệnh viện
Cháu Hoàng Văn C., 15 tuổi, quê ở thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bị đau đầu, nôn, sốt, bại cánh tay phải, được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ rồi được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị, Nghệ An rồi tiếp tục được chuyển đến Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bệnh nặng, li bì, gọi hỏi không biết, ngưng thở, nhịp tim, huyết áp bất thường. Ngay lập tức cháu được cấp cứu bằng biện pháp trợ thở (thở máy) và truyền thuốc ổn định tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cháu cũng được chỉ định chụp X-quang, lấy dịch não tủy xét nghiệm và được chẩn đoán mắc viêm não. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp hội chẩn để ra phương hướng điều trị cho cháu C. cho biết, sở dĩ cháu C. nhập viện trong tình trạng nặng do viêm não tập trung ngay vùng đồi thị.
Đây là trung tâm chỉ huy hô hấp và tuần hoàn làm cháu C. ngừng thở, tim mạch không ổn định, huyết áp thay đổi. Do đó, cần phải cấp cứu và điều trị tích cực nhằm mục đích giữ cho hô hấp và tuần hoàn ổn định.
Các bác sĩ đã điều trị tích cực trong 2 ngày liên tục. May mắn, sau 2 ngày điều trị, cháu C. đã có tiến triển đáng kể, mắt mở tự nhiên, hết sốt, tim mạch ổn định. PGS.TS. Dũng nói trong niềm vui: 'Khi cháu vào viện, chúng tôi rất lo lắng nhưng giờ có thể thở phào được rồi, cháu có thể được sống rồi'. Tuy nhiên, cháu C. vẫn cần phải làm thêm một vài xét nghiệm cần thiết khác để điều trị tận gốc bệnh, đồng thời làm giảm tối đa các di chứng có thể xảy ra do viêm não.
Phù não có thể gây nên các di chứng nặng nề như mất trí nhớ, động kinh (Ảnh minh họa: Internet)
Điều trị hiệu quả viêm não bằng cách nào?
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, viêm não là tình trạng viêm của não, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường là do vi-rút có ái lực với tế bào thần kinh gây ra và là một tình trạng bệnh lý nặng nề đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Có nhiều loại vi-rút gây viêm não nhưng điển hình là do Herpesvirus và Arbovirus. Trong đó, Arbovirus thường gây viêm não vào mùa hè và ở các vùng nhiệt đới do khí hậu nóng ẩm là mùa sinh sản của chim và muỗi.
Khi bị viêm não, người bệnh có nhiều biểu hiện đa dạng như nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cứng gáy... nhưng chủ yếu là hội chứng não cấp gây rối loạn ý thức với nhiều mức độ khác nhau. Để điều trị hiệu quả thì cần phải biết vi-rút nào gây bệnh thông qua xét nghiệm.
Mỗi loại vi-rút có cách điều trị riêng, có những vi-rút có thể điều trị bằng thuốc diệt vi-rút, có vi-rút không có thuốc chữa sẽ được điều trị bằng các biện pháp nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe để cơ thể tự diệt vi-rút.
Hầu hết các trường hợp viêm não không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng. Có thể dùng các thuốc khác nhau tùy trường hợp để điều trị phù não. Các thuốc an thần và chống co giật sử dụng khi có co giật. Trong trường hợp nặng có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhân cần điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc...
Di chứng nặng nề của viêm não
Trong các trường hợp viêm não, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng nếu được điều trị kịp thời tại các cơ sở có đủ phương tiện theo dõi cũng như can thiệp bao gồm theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, rối loạn nước, điện giải và nhất là chống phù não.
Nếu bị phù não có thể gây nên các di chứng nặng nề như suy giảm khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách... Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể đưa đến bại não. Trường hợp viêm não tổn thương nặng đến thân não, nơi có trung tâm hô hấp, tuần hoàn, điều nhiệt... thì bệnh nhân dễ tử vong.
Để phòng ngừa viêm não và các di chứng, cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như ngăn ngừa các bệnh lý có thể dẫn đến viêm não như sởi, quai bị, thủy đậu bằng tiêm chủng.
Trong những vùng viêm não lây truyền do côn trùng, nhất là muỗi, thì trẻ em nên tránh chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất), cần mặc áo quần phủ kín tay chân như mang găng tay, tất, dùng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh môi trường như phát quang bụi rậm, thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước. Mục đích nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!