Đặc điểm sinh lý tuyến vú: Chu kỳ kinh nguyệt (P1)

Cần biết - 04/28/2024

Những thay đổi có tính chu kỳ về nồng độ hoóc-môn sinh dục trong chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng rất lớn đến hình thái vú.

Những thay đổi mô học của vú bình thường có liên quan đến những biến đổi về nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt. Những thay đổi này xảy ra ở cả mô đệm và phần biểu mô.

Những thay đổi có tính chu kỳ về nồng độ hoóc-môn sinh dục trong chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng rất lớn đến hình thái vú. Dưới ảnh hưởng của FSH và LH trong pha nang noãn của chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen tăng lên do được tiết nhiều từ nang Graff sẽ kích thích biểu mô vú tăng sinh.

Trong pha tăng sinh này, biểu mô dài ra, tăng số lượng các phân bào, tăng tổng hợp RNA, tăng tỉ trọng nhân, nở to các hạt nhân và những thay đổi các thành phần khác trong tế bào. Đặc biệt, các thể Golgi, rthosome các ti lạp thể tăng cả về kích thước và số lượng.

Đặc điểm sinh lý tuyến vú: Chu kỳ kinh nguyệt (P1)

Nồng độ hormon sinh dục trong chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng rất lớn đến hình thái vú (Ảnh minh họa: Internet)

Trong pha nang, ở thời điểm giữa chu kỳ, khi mà estrogen được tổng hợp và tiết ra nhiều nhất thì sẽ xảy ra rụng trứng. Một đỉnh thứ 2 xảy ra ở giữa pha hoàng thể, khi tổng hợp progesteron ở hoàng thể đạt cực đại. Tương tự, progesteron làm thay đổi biểu mô vú trong pha hoàng thể của chu kỳ rụng trứng. Các ống tuyến vú giãn ra, các tế bào biểu mô nang sẽ biệt hoá thành các tế bào tiết.

Những thay đổi biểu mô vú do các hormon là nhờ các thụ thể steroid trong tế bào hoặc các thụ thể peptid gắn với màng tế bào. Người ta đã tìm thấy các thụ thể của estrogen và progesteron trong dung dịch bào tương của biểu mô tuyến vú bình thường. Thông qua sự gắn các hormon này vào các thụ thể đặc hiệu, sẽ có sự thay đổi phân tử, dẫn đến những thay đổi về hình thái cũng như về sinh lý.

Tương tự, các thụ thể màng cũng có thể điều chỉnh tác dụng của prolactin. Nồng độ estrogen nội sinh tăng có thể có tác dụng giống histamin trên vi tuần hoàn vú, hậu quả là làm tăng tối đa dòng máu từ 3-4 ngày trước khi có kinh, với sự tăng trung bình thể tích vú 15-30 cm3. Cảm giác đầy tức vú trước khi có kinh là do tăng phù khoảng giữa các thuỳ và tăng sinh các ống- nang dưới tác dụng của estrogen và progesteron.

>> Xem thêm:

Đặc điểm sinh lý tuyến vú: Chu kỳ kinh nguyệt (P2)

Hỏi đáp về bệnh ung thư vú

 Nguồn: Ungthubachmai.com.vn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!