Hai bệnh lý có tần suất xuất hiện cùng nhau trên một người nhiều đến mức chính thức được coi là “cặp bài trùng”. Thật không may, bệnh ĐTĐ làm cho THA trở nên khó điều trị hơn và THA làm cho bệnh ĐTĐ càng nguy hiểm hơn trong điều trị và tiên lượng.
Tính phổ biến mắc bệnh THA ở những người có bệnh ĐTĐ
Có 2 thể chính của bệnh ĐTĐ là ĐTĐ đường týp 1 và týp 2. Những người mắc bệnh ĐTĐ týp 1 có thể hoàn toàn không thể sản xuất insulin. Những người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 có thể sản xuất insulin, nhưng các tế bào của cơ thể đáp ứng kém với tác dụng của insulin, còn gọi là đề kháng insulin. Trong cả 2 thể chính của bệnh ĐTĐ vừa nêu, glucose không thể di chuyển vào bên trong các tế bào và mức đường huyết có thể trở nên cao. Theo thời gian, nồng độ glucose máu cao kéo dài có thể gây ra các thương tổn mạch máu và các biến chứng nghiêm trọng cho các bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Các nghiên cứu về bệnh ĐTĐ týp 1 cho thấy, 5% bệnh nhân bị THA trong vòng 10 năm; 3% bị THA trong vòng 20 năm; 70% bị THA ở tuổi 40.
Về mặt thống kê, trong các nghiên cứu về bệnh ĐTĐ týp 2, dữ liệu đã chỉ ra rằng gần 75% bệnh nhân có vấn đề về thận - một biến chứng thường gặp trong bệnh ĐTĐ týp 2 mắc bệnh THA. Ở những người mắc bệnh ĐTĐ týp 2 nhưng không có vấn đề về thận, tỷ lệ THA là khoảng 40%. Nhìn chung, khi tính trung bình theo thể bệnh ĐTĐ và độ tuổi, khoảng 35% người mắc bệnh ĐTĐ có bị THA.
Thừa cân béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc ĐTĐ và THA.
Bệnh ĐTĐ và THA có thể cùng xảy ra trên 1 người
Bệnh ĐTĐ và THA có xu hướng xảy ra cùng nhau vì chúng có chung một số đặc điểm sinh lý bệnh tương đồng, nghĩa là những tác động gây ra cho mỗi bệnh có xu hướng làm cho bệnh khác có nhiều khả năng xảy ra theo. Trong cả 2 trường hợp bệnh ĐTĐ và THA, có những thay đổi sinh lý bệnh giống nhau, bao gồm:
Tăng thể tích ứ dịch trong cơ thể:Bệnh ĐTĐ làm tăng tổng lượng chất lỏng trong cơ thể, do đó có xu hướng làm tăng nguy cơ THA.
Tăng độ cứng động mạch: Bệnh ĐTĐ có thể làm giảm khả năng co giãn của các mạch máu, vì vậy gây ra THA trung bình.
Độ nhạy cảm insulin bị suy giảm: Những thay đổi trong cách cơ thể sản xuất và tác dụng của insulin có thể trực tiếp gây THA.
Mặc dù những đặc điểm sinh lý bệnh phổ biến này giải thích một phần lý do tại sao bệnh ĐTĐ và THA là một cặp bệnh phổ biến như vậy, nhưng trong nhiều trường hợp, 2 bệnh này có khả năng xảy ra cùng nhau chỉ vì chúng có chung một nhóm yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Một số yếu tố nguy cơ giống nhau và quan trọng
Thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc cả bệnh ĐTĐ và THA. Yếu tố nguy cơ số một của bệnh ĐTĐ týp 2 là béo phì. Trọng lượng lớn hơn có nghĩa là nguy cơ kháng insulin cao hơn vì chất béo cản trở khả năng sử dụng insulin của cơ thể, dẫn đến ĐTĐ týp 2. Khi bạn tăng cân, huyết áp cũng tăng lên. Béo phì và thừa cân cũng có thể phát triển chứng ngưng thở khi ngủ và ảnh hưởng đến huyết áp của bạn. Giảm cân là một trong những thay đổi lối sống có hiệu quả nhất để kiểm soát đường máu và huyết áp. Giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23 và trên 18,5 (dành cho người châu Á). Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: Đàn ông dưới 90cm và phụ nữ dưới 80cm theo chuẩn người châu Á.
Lối sống ít vận động:Không hoạt động và thừa cân liên quan mật thiết với nhau và với bệnh ĐTĐ týp 2 và THA. Các tế bào cơ có nhiều thụ thể insulin hơn tế bào mỡ, vì vậy, 1 người có thể giảm kháng insulin bằng cách tập thể dục. Hoạt động nhiều hơn cũng làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giúp insulin hoạt động có hiệu quả hơn. Bạn cần phải duy trì lối sống tích cực để giữ sức khỏe và kiểm soát huyết áp của mình. Đi bộ 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày trong 1 tuần. Nếu không có 30 phút liên tục để tập thể dục thì có thể tập 10-15 phút/lần, vài lần mỗi ngày. Tập thể dục có thể giúp giảm huyết áp của bạn khoảng 4-9mmHg.
Thói quen ăn uống không lành mạnh: Quá nhiều chất béo, không đủ chất xơ và quá nhiều carbohydrate đơn giản đều góp phần hình thành ĐTĐ týp 2 và THA. Ăn uống không lành mạnh góp phần lớn vào bệnh béo phì. Ăn uống lành mạnh là có thể làm đảo ngược hoặc ngăn ngừa ĐTĐ týp 2. Chỉ cần giảm chút ít natri trong chế độ ăn uống có thể làm giảm huyết áp từ 2-8mmHg. Nói chung, hạn chế lượng muối dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Nên hạn chế dưới 1.500mg nếu bạn đang THA.
Cholesterol máu cao: Cholesterol cao không chỉ làm hỏng mạch máu của bạn mà chúng còn là thành phần chính trong hội chứng chuyển hóa. Nghiên cứu cho thấy hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc THA và ĐTĐ týp 2.
Lớn tuổi: Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2 càng cao. Ngay cả khi một người già, gầy vẫn có thể dễ mắc bệnh ĐTĐ týp 2. Đồng thời, lớn tuổi thường đi kèm với tình trạng xơ vữa động mạch tăng rõ và là nguyên nhân chính làm THA. Đó là lý do thường thấy cả bệnh ĐTĐ và THA gặp trên 1 người cao tuổi.
Do đó, chiến lược phòng ngừa cho cả THA và bệnh ĐTĐ thường tập trung vào các yếu tố nguy cơ cụ thể và giống nhau như vừa nêu trên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!