Đảm bảo ATGT cho trẻ và cách sơ cứu cần biết khi có tai nạn

Sống khỏe mạnh - 05/14/2024

Trong những trường hợp này, nhiều người còn băn khoăn sơ cứu ngay tại chỗ cho trẻ hay chờ cán bộ y tế có chuyên môn đến cấp cứu?

Ngay những tháng đầu năm, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân trong số đó không ít là trẻ nhỏ. Và nếu người điều khiển phương tiện thận trọng hơn một chút, có kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn chắc chắn rằng nhiều em bé sẽ không rời xa vòng tay mẹ cha sớm đến vậy.

Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nạn nhân là trẻ nhỏ gặp hậu quả nghiêm trọng

Bất cẩn của người lớn khi chở trẻ nhỏ

Tháng 8/2015, anh N.V.T (Kiến An, Hải Phòng) đang chở theo con gái 2 tuổi trên xe máy thì bất ngờ xe va phải hòn gạch. Chiếc xe loạng choạng khiến bé gái ngồi phía trước xe ngã đập đầu xuống đường, chấn thương sọ não nghiêm trọng và không qua khỏi.

Ăn uống trong khi đi xe

Nhiều người vẫn còn nhớ vụ tai nạn hy hữu xảy ra tại tỉnh An Huy, Trung Quốc hồi đầu năm 2013 khi bé trai Zijun 6 tuổi ngồi ô tô do bố lái. Bé đang cầm xiên xúc xích ăn thì bất ngờ xe phanh gấp khiến chiếc xiên đâm sâu vào mặt bé gây tổn thương vô cùng nghiêm trọng.

Khi cho trẻ lưu thông trên đường, tốt nhất cha mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa đi. Nếu bé đói, có thể dừng xe tại nơi ăn uống sau đó mới đi đường. Tránh để trẻ ăn bằng que xiên, ngậm kẹo hay cắn các loại hạt khô khi đang đi xe vì có nguy cơ hóc dị vật, chấn thương nếu xe phanh đột ngột hoặc gặp va chạm.

Đảm bảo ATGT cho trẻ và cách sơ cứu cần biết khi có tai nạn

Rất nhiều bố mẹ bất cẩn, chủ quan khi chở trẻ đi xe máy

Đi ô tô không thắt dây an toàn, để trẻ tự do đùa nghịch trên xe

Ngày 27/2 vừa qua, đoạn clip ghi lại cảnh tượng một bé trai 2 tuổi tại tỉnh Tô Châu (Trung Quốc) bất ngờ rơi ra từ chiếc xe ô tô trên đường cao tốc khiến nhiều người kinh hãi. Cậu bé nói trên đang trên đường đi giao hàng cùng ông. Trước đó, bé ngồi ở ghế lái phụ cạnh ông, nhưng bé hiếu động đã tự mò ra phía sau xe chơi. Chiếc xe van vốn bị hỏng cửa và thi thoảng tự động bật ra là nguyên nhân khiến cháu bé bị hất văng ra ngoài lúc nào mà người ông không biết. Rất may mắn, cậu bé không bị thương tích gì đáng kể và được người đi đường phát hiện kịp thời bế lên an toàn.

Cháu bé bị ngã ra đường vì lỗi bất cẩn của người lớn (Video: Youtube)

Do vậy, khi cho trẻ đi ô tô, người lớn cần thắt dây an toàn hoặc phân công người bế ẵm hoặc trông trẻ. Đồng thời nhắc nhở trẻ không được đùa nghịch khi ngồi trong xe đang di chuyển.

Trẻ tự ý sang đường, chơi đùa không người trông giữ nơi có nhiều xe cộ qua lại

Đảm bảo ATGT cho trẻ và cách sơ cứu cần biết khi có tai nạn

Tai nạn giao thông cướp đi hàng triệu sinh mạng, trong đó có rất nhiều đứa trẻ vô tội

Nhiều vụ tai nạn xe thương tâm đã xảy ra trong thời gian qua vì sự lơ đãng của người lớn trong khi trông nom trẻ nhỏ. Các trẻ vốn hiếu động, nghịch ngợm và chưa hiểu được mức độ nguy hiểm của những chiếc xe chạy trên đường. Khoảng 18 giờ ngày 03/8./2015 tại huyện Dương Tiến, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) một cậu bé đột ngột chạy qua đường khi đang nô đùa cùng bạn bè thì bất ngờ bị ô tô đâm phải, hất tung cậu bé ra xa. Rất may mắn, cậu bé chỉ bị thương nhẹ.

Ngoài ra, có vô số các vụ tai nạn khi trẻ đi chơi cùng cha mẹ nhưng đột ngột bé buông tay cha mẹ để chạy băng qua đường dẫn tới tai nạn. Hoặc cha mẹ lơ là mải dùng điện thoại không trông nom con khiến trẻ tự ý lao ra đường và bị xe đâm phải. Trong những trường hợp này, sự giám sát của người lớn vô cùng quan trọng vì dù là một tài xế có kinh nghiệm đến mấy khi gặp những tình huống bất ngờ cũng khó lòng kiểm soát được tay lái để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh.

Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ nhỏ

Cha mẹ cần có ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn cho trẻ bằng cách đội mũ bảo hiểm khi cho trẻ đi ngoài đường. Thắt dây an toàn, địu trẻ trong tư thế an toàn, thoải mái, tránh để trẻ ngồi ở ghế trước xe mà không được che chắn, bảo vệ.

Đảm bảo ATGT cho trẻ và cách sơ cứu cần biết khi có tai nạn

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng cần được đội bảo hiểm an toàn

Hướng dẫn trẻ những nội dung cơ bản về luật giao thông, nâng cao ý thức về mức độ nguy hiểm khi trẻ tham gia giao thông một mình, không có sự giám sát của cha mẹ.

Với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, cần có sự trông nom, hỗ trợ của cha mẹ khi ra đường. Không để trẻ tụ tập, nô đùa gần khu vực đường giao thông.

Sơ cứu trẻ nhỏ bị tai nạn giao thông

Vụ chiếc ô tô Camry gây tai nạn làm chết 3 người đi đường vào ngày 29/2 trên phố Ái Mộ phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội còn nhiều điều khiến dư luận băn khoăn và suy ngẫm. Một trong số đó là vấn đề cấp cứu trẻ nhỏ bị tai nạn giao thông như thế nào mới đúng cách. Hơn 20 phút sau khi bị tai nạn, bé gái vẫn còn dấu hiệu sống nhưng đã không được sơ cứu sớm nên hy vọng sống đã dập tắt.

Đảm bảo ATGT cho trẻ và cách sơ cứu cần biết khi có tai nạn

Nỗi đau đớn của người mẹ mất đi đứa con gái bé nhỏ trong vụ tai nạn xe Camry thảm khốc

Trong những trường hợp này, nhiều người còn băn khoăn sơ cứu ngay tại chỗ cho trẻ hay chờ cán bộ y tế có chuyên môn đến cấp cứu?

Điều này cho thấy, trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa có kiến thức cơ bản để sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông.

Các bước sơ cứu đầu tiên có ý nghĩa quan trọng giành lại sự sống cho nạn nhân:

- Nếu nạn nhân vẫn còn ý thức, nên động viên và trấn an để nạn nhân bình tĩnh và yên tâm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Có thể trò chuyện để nạn nhân không rơi vào tình trạng mất ý thức. Tuy nhiên, không nên tập trung đông người xung quanh để người bị nạn dễ thở hơn.

- Nới rộng quần áo cho nạn nhân. Nếu trời lạnh hoặc thấy thân nhiệt của người bị nạn giảm, nên đắp ấm bằng quần áo mượn từ những người xung quanh.

- Nạn nhân chảy máu cần được cầm máu ngay lập tức, dùng bông băng hoặc giẻ, vải sạch ga-rô phần cơ thể phía gần tim hoặc dùng  tay giữ chặt không để máu chảy nhiều.

- Nếu phát hiện nạn nhân bị thương có dị vật trong cơ thể (bị găm vật gì đó trong người) không được phép rút dị vật ra.

- Phòng trường hợp nạn nhân bị chấn thương sọ não, hãy đặt nạn nhân ở nơi thoáng khí, kê chân cao hơn đầu khoảng 20 cm. Tránh làm gập cổ người bị nạn gây chấn thương cột sống. Nếu bị gãy xương, cần cố định vết thương, để nạn nhân nằm cố định, không cố di chuyển đi xa.

- Sử dụng ô tô để đưa người đi cấp cứu là tốt nhất. Sử dụng các phương tiện thô sơ khác, đặc biệt khi tai nạn nghiêm trọng, có thể khiến nạn nhân gãy cột sống và chết trên đường đi cấp cứu.

- Nhanh chóng tìm thông tin liên hệ trong túi áo, cặp sách của nạn nhân để thông báo cho người nhà. Một số trường hợp, nạn nhân mắc các bệnh mãn tính chỉ có người nhà biết hoặc nắm được tiền sử bệnh để cung cấp thông tin sơ cứu có hiệu quả.

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!