Đắp lá chữa bỏng, bé 2 tuổi suýt chết vì dị ứng

Cần biết - 11/24/2024

Sau khi chữa bỏng bằng cách đắp thuốc lá và bôi thuốc mỡ bé N.T.V, 2 tuổi đã bị biến chứng toàn thân phồng rộp.

Nguy kịch vì tin bà lang chữa bỏng

Đến bé V đau đớn vết các từng mảng da lớn bị lột ra sau khi đắp  thuốc lá, thuốc mỡ của bà lang gần nhà gia đình đưa đi cấp cứu tại BV Xanh-pôn (Hà Nội) vào ngày 29/1/2015.

ThS.BS Nguyễn Quang Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh-pôn cho biết, bé V được đưa đến viện trong tình trạng gặp biến chứng sau bỏng rất nặng: toàn thân bé phồng rộp, từng mảng da có dấu hiệu hoại tử có nước màu trắng bên trong. Ban đầu bé chỉ bị trợt da ở hai đầu gối, sau lan sang đùi, bụng, ngực và toàn thân. Tình trạng bỏng quá nặng khiến bệnh nhi đau đớn, tri giác lơ mơ.

Chị Dung, mẹ của bé V. cho biết, em bị bỏng nước nồi canh mẹ vừa nấu. Bé V. đã nghịch mở vung nồi, nước ở vung rớt xuống người bé gây bỏng. Thay vì đưa con đến viện ngay lúc đó, chị Dung lại đưa bé sang bà lang cùng xóm vì nghe nói bà chữa bỏng rất tốt.

'Bà lang lấy thuốc mỡ và thuốc lá đắp lên vết bỏng nơi đùi của con, tôi cũng không biết đấy là thuốc gì. Nhưng chỉ hai hôm sau, tại chỗ vết bỏng có đắp thuốc bị rộp lên và mưng nước. Tình trạng rộp còn lan ra rộng hơn, vợ chồng tôi sợ quá bèn đưa con xuống BV Xanh-pôn', chị Dung vừa khóc vừa kể.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ tại khoa Bỏng đã tiến hành điều trị loại bỏ thuốc đông y, bù nước điện giải, tiêm kháng sinh chống viêm và tiêm thuốc bổ trợ sức cho bệnh nhi.

'Với tình trạng phồng rộp của bệnh nhi khi nhập viện chúng tôi nghi ngờ khả năng trẻ đã bị dị ứng thuốc đông y. Rất thuốc của bà lang đó có trộn thuốc tây y Paracetamol, cocticoit – hai loại thuốc giảm đau, giảm sốt mà nhiều thầy lang hay sử dụng', ThS Thống cho biết.

Đắp lá chữa bỏng, bé 2 tuổi suýt chết vì dị ứng

Bé V đau đớn với các mảng da lớn bị phồng rộp (Ảnh: khampha.vn)

Cần đưa nạn nhân bỏng đến cơ sở y tế

ThS Thống nhấn mạnh, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng do chữa bỏng bằng thuốc đông y của các ông lang, bà lang vườn.

Tại khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh-pôn đã phải điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng vết bỏng do chữa bỏng bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Trong số này, có không ít trường hợp đã phải cắt bỏ chi, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp do đắp thuốc gây biến chứng hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng. Thậm chí, có trường hợp nhập viện trong tình trạng quá muộn dẫn đến tử vong.

Không phủ nhận vai trò của đông y trong điều trị bỏng nhưng vị bác sĩ này cho rằng hầu hết các 'thầy lang vườn' hiện nay đều đem một bài thuốc, được gọi là bài thuốc gia truyền áp dụng chữa trị cho tất cả các bệnh nhân bỏng. Trong khi trên thực tế mỗi bệnh nhân bỏng cần có phác đồ điều trị khác nhau và việc điều trị này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ sâu, diện tích bỏng, tác nhân gây bỏng, chữa bỏng cho trẻ em khác với bỏng người lớn…

Vị bác sĩ này cũng chia sẻ, có những vết bỏng nông, tổn thương nhẹ nếu giữ vệ sinh tốt có thể không cần dùng thuốc cũng tự khỏi. Nhưng có những trường hợp bỏng không rộng, chỉ một vết nhỏ nhưng bỏng sâu lại có thể gây nguy hiểm khôn cùng. Trong khi bằng mắt thường các thầy lang chỉ có thể biết nhận biết được diện tích vết bỏng lớn hay nhỏ mà không thể nhận biết được độ nông sâu, mức độ tổn thương của vết bỏng. Do đó, việc chỉ dùng một bài thuốc để chữa bỏng cho tất cả các trường hợp là vô cùng nguy hiểm.

Đắp lá chữa bỏng, bé 2 tuổi suýt chết vì dị ứng

 Bé V đã qua cơn nguy kịch (Ảnh: khampha.vn)

'Việc sử dụng thuốc đông y bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng. Khi lớp màng cứng xuất hiện nhiều người lầm tưởng đó là biểu hiện của sự lành vết thương. Trên thực tế, lớp màng cứng này càng khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mưng mủ, khi không thoát được ra bên ngoài sẽ khiến vết bỏng thêm trầm trọng', ThS Thống cảnh báo.

Do đó, để tránh bị biến chứng trầm trọng sau bỏng, đe dọa tính mạng, ThS Thống khuyến cáo người dân không nên chữa bỏng ở những thầy lang vườn. Cách tốt nhất là đưa trẻ và cả người lớn bị bỏng đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện chuyên khoa bỏng để người bệnh được điều trị và xử lý đúng cách.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng thuốc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!