Thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện cho cả Bệnh viện và người dân.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong ngành Y tế, năm 2019 đánh dấu sự lớn mạnh của cải tiến chất lượng y tế từ khâu thanh toán. Theo PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay 100% các bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; đạt 99,5% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa. Số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán của bệnh viện.
Tại nhiều bệnh viện, như Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, với những tiện ích trong việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh như đặt lịch khám, thông tin bệnh tật, lịch sử khám bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt, dù mới triển khai hơn 1 năm, nhưng mỗi tháng có khoảng 3.000 người bệnh khi đến khám đã chủ động làm thẻ trong tổng số khoảng 8.000 người đến khám, điều trị mỗi ngày. Cùng với thẻ khám bệnh, bệnh viện đã phát triển ứng dụng đăng ký khám bệnh trên điện thoại di động. Người bệnh ở nhà đăng ký lịch và chỉ cần đến trước 15 phút để khám. Đặc biệt, với những trường hợp tái khám có thể đặt lịch trước 30 ngày.
Trung tâm điều hành thông minh tại Bệnh viện K
Đa số các bệnh viện hiện nay đang dùng các phần mềm riêng lẻ để quản trị từng hoạt động bệnh viện như: Quản lý bệnh nhân ra vào, quản lý số lượng bệnh nhân khám bệnh, phần mềm hỗ trợ trực tuyến telemedicine… thì Bệnh viện K nổi lên như một 'hiện tượng' bởi đây là đơn vị y tế đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình trung tâm điều hành bệnh viện. Đây là mô hình hoàn toàn mới giúp quản trị toàn bộ hoạt động của bệnh viện và được đánh giá là phù hợp với mô hình tự chủ bệnh viện.
Trung tâm điều hành bệnh viện thông minh đầu tiên của cả nước được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, với những giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu. Trung tâm có nhiệm vụ thu thập, phân tích, hiển thị thông tin về mọi hoạt động của bệnh viện. Kết nối đồng bộ các hệ thống trước đây thường hoạt động riêng biệt như hệ thống quản lý thông tin, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... và hệ thống camera giám sát an ninh, an toàn.
Các thông tin này được thu thập thông qua tối ưu hóa hệ thống thông tin chuyên biệt của bệnh viện và kết nối đồng bộ các hệ thống trước đây thường hoạt động riêng biệt như hệ thống quản lý thông tin bệnh viện HIS (Hospital Information System), hệ thống quản lý xét nghiệm LIS (Laboratory Information System), hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh RIS (Radiology Information System), hệ thống lưu trữ hình ảnh PACS (picture archiving and communication system) và phần mềm Trung tâm pha thuốc tập trung.
Có thể hình dung Trung tâm điều hành này sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh từ hoạt động chuyên môn đến hành chính, tài chính, an ninh, do đó sẽ giúp Bệnh viện K thuận lợi hơn trong quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị, nâng cao chất lượng chuyên môn hay mức độ hài lòng của người bệnh.
Trung tâm điều hành này có thể phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo bệnh trong tương lai hay khuyến nghị giúp tối ưu hóa các dịch vụ của bệnh viện. Đó thực sự là một tính năng thông minh nổi bật. Việc phối hợp với nhiều chuyên gia trên thế giới để hội chẩn và theo dõi điều trị bệnh nhân ung thư cũng được thực hiện tại Trung tâm điều hành này.
Sử dụng robot phẫu thuật nội soi
Các bác sĩ Philippines đang theo dõi BS Nguyễn Phú Hữu - Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật robot trên người bệnh cân nặng 130kg tại Bệnh viện Philippine General Hospital. ẢNH: TL
Bệnh viện K cũng là một trong những đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam trang bị thiết bị thế hệ robot hiện đại nhất thế giới - nội soi với hệ thống robot Da Vinci XI. Có thể hiểu, robot này là cánh tay hỗ trợ bác sĩ lấy được triệt để nhất khối u mà vẫn đảm bảo bảo tồn tối đa các tổ chức tế bào lành cũng như mạch máu, thần kinh. Nhờ đó, cuộc mổ an toàn hơn, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Đây được xem là đỉnh cao mới trong lĩnh vực ngoại khoa hiện nay trên thế giới sau kỷ nguyên của phẫu thuật nội soi.
Tại TPHCM, Bệnh viện Bình Dân cũng là đơn vị áp dụng thành công công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi với robot Da Vinci. Không những thế, mới đây các bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân đã được mời sang Philippines hỗ trợ kỹ thuật mổ robot trong cắt 2/3 dạ dày cho bệnh nhân béo phì. Năm 2019, Bệnh viện Bình Dân đã giành giải Nhất giải thưởng Y tế thông minh TPHCM.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, năm 2019 đánh dấu mốc quan trọng trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán đột quỵ để cứu nhiều bệnh nhân khi đã quá giờ 'vàng' cấp cứu (từ 4-6 giờ sau khi có biểu hiện đột quỵ đầu tiên). Nhiều bệnh nhân được chuyển tuyến từ y tế cơ sở lên bệnh viện này trong tình trạng ý thức lơ mơ, liệt nửa người, mất khả năng vận động, liệt mặt, rối loạn nuốt nặng…
Khi đến viện, bệnh nhân ngay lập tức được chỉ định sử dụng chụp cắt lớp vi tính có sử dụng trí tuệ nhân tạo (RAPID). Hình ảnh RAPID phát hiện gần như toàn bộ vùng thân não người bệnh bị tổn thương, khoanh vùng chính xác thể tích vùng cần cứu. Hệ thống mạch sau khi được dựng 3D ở nhiều góc độ giúp các bác sỹ kết luận người bệnh bị tắc động mạch hay bất kỳ một tổn thương nào đòi hỏi phải can thiệp sớm để lấy huyết khối và tái thông mạch.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai phần mềm RAPID, trong năm 2019 đã ứng dụng cho hàng chục bệnh nhân. Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Các bác sĩ cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID giúp các bác sỹ mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ thay vì 6 giờ như phương pháp thông thường.
Y tế thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 thực sự đã đem lại nhiều điều kỳ diệu, mang đến cuộc sống chất lượng cho những bệnh nhân nan y, làm tăng sự hài lòng của nhân viên y tế, người bệnh và toàn xã hội.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!