Đau bụng khi 'đèn đỏ' dễ mắc bệnh nguy hiểm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đây có thể là triệu chứng của bệnh nguy hiểm.

Tình trạng đau bụng kinh thường gặp ở những bạn gái mới bước vào tuổi dậy thì. Thông thường, cảm giác đau bắt đầu xuất hiện từ trước kỳ kinh 1 - 2 ngày hoặc khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

Mức độ đau ở mỗi người thường khác nhau, một số người vào ngày kinh nguyệt họ chỉ bị đau bụng âm ỉ, đau trong ngày đầu tiên khi thấy kinh rồi hết đau hay chỉ cảm thấy đau lưng, mệt mỏi…

Tuy nhiên cũng lại có không ít chị em phụ nữ trong những ngày 'đèn đỏ' bị tình trạng đau bụng đột ngột và dữ dội.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, chị em khi bị đau bụng kinh có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, đau mạnh vùng thắt lưng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, chân tay lạnh, mặt tái nhợt, hoa mắt, chóng mặt…

Nếu xuất hiện những triệu chứng như trên, chị em cần đặc biệt lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, chít hẹp cổ tử cung hoặc các bệnh lý về buồng trứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người phụ nữ.

Đau bụng khi 'đèn đỏ' dễ mắc bệnh nguy hiểm

Trong một số trường hợp, chị em khi bị đau bụng kinh có thể kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, đau mạnh vùng thắt lưng, đi ngoài phân lỏng (Ảnh minh họa: Internet)

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa khá phổ biến ở chị em phụ nữ, chiếm khoảng 2%. Đây là căn bệnh mà tình trạng lớp niêm mạc không nằm ở trong tử cung mà di cư đến nhiều chỗ khác như: Bụng, bàng quang hoặc buồng trứng...

Đặc biệt, biểu hiện của bệnh thường là đau bụng khi đến kỳ 'đèn đỏ. Do đó, nhiều chị em thường bỏ qua dấu hiệu này vì cho rằng mình bị đau bụng kinh. 

Mặc dù vậy, theo các bác sĩ, biểu hiện của đau bụng kinh và đau bụng do lạc nội mạc tử cung vẫn có những điểm khác nhau. Nếu là đau bụng kinh thì cơn đau chỉ bắt đầu 1 - 2 ngày trước kỳ kinh và ngày đầu tiên rồi kết thúc. Còn nếu do bị lạc nội mạc tử cung thì cơn đau sẽ bắt đầu sớm hơn và chỉ kết thúc khi đã hết kinh.

Ngoài việc gây đau, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, trong một số trường hợp bệnh còn gây vô sinh do bị tổn thương nội mạc tử cung.

U xơ tử cung

U xơ tử cung là những khối tăng trưởng của mô cơ tử cung, chúng có thể nằm ngoài bìa, trong thành hoặc lọt trong lòng tử cung. Loại u này thường là u lành tính, tuy nhiên, cũng có một số ít các trường hợp là u ác tính có thể dẫn tới ung thư.

Triệu chứng điển hình của u xơ tử cung đó là cảm giác đau bụng, nhất là trước và trong thời kỳ hành kinh. Do đó bệnh thường được phát hiện khi đã muộn, khó điều trị và có thể gây các biến chứng, nhất là ở trong thai kỳ.

Một số biến chứng thường gặp của căn bệnh này đó là phụ nữ dễ bị thiếu máu, thai phụ dễ bị sảy thai, sinh non, ngôi thai dễ bất thường, rau bám ở vị trí bất thường, băng kinh, băng huyết sau sinh, hiếm muộn….

Đau bụng khi 'đèn đỏ' dễ mắc bệnh nguy hiểm

U xơ tử cung là những khối tăng trưởng của mô cơ tử cung, chúng có thể nằm ngoài bìa, trong thành hoặc lọt trong lòng tử cung (Ảnh minh họa: Internet)

Chít hẹp cổ tử cung

Cổ tử cung bị chít hẹp có nghĩa là cổ tử cung bị nhỏ hơn so với bình thường, chít hẹp lại có thể do bị dính 1 phần hoặc khi có dị vật hoặc nang, hoặc do polyp ở cổ tử cung. Đây là một bệnh do bẩm sinh nhưng cũng có thể do tác động của một số bệnh khác như do bị viêm, dính sau hút nạo thai hoặc sau khi làm thủ thuật có liên quan đến cổ tử cung, tử cung… gây ra.

Hầu hết những người bị hẹp tử cung thường sẽ có cảm giác bị đau bụng trong kì kinh nguyệt, đau khi có quan hệ tình dục, bị chảy máu bất thường hoặc sẽ không có kinh nguyệt.

Khi bị hẹp cổ tử cung, người phụ nữ sẽ rất chậm có thai, thậm chí là khó có thai vì tinh trùng bị cản trở không thể di chuyển vào buồng tử cung và đến vòi trứng để có thể thụ thai được.

Bệnh lý ở buồng trứng

Những bệnh về buồng trứng như u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang… cũng là những căn bệnh khiến người phụ nữ có cảm giác đau bụng trong kỳ kinh nguyệt hoặc gây rối loạn kinh nguyệt nên dễ dàng bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm.

Các căn bệnh về buồng trứng có thể ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, như làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, làm suy giảm chức năng buồng trứng, dẫn đến việc bị rụng trứng không thường xuyên hoặc không rụng trứng gây vô sinh.

Nếu bị đau bụng thường xuyên trong giai đoạn 'đèn đỏ' đồng thời có kèm theo những dấu hiệu bất thường như trên, bạn nên đến bác sĩ phụ khoa để khám và tư vấn. Việc này sẽ giúp bạn có phương hướng điều trị sớm do đó tránh được những hậu quả xấu.

Thu Hoài

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!