Rất nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng mang con đến phòng khám vì bé mãi 4 - 5 ngày mới đi tiêu 1 lần hoặc trước đây bé đi tiêu 2-3 lần/ngày, nay bé chỉ đi mỗi ngày 1 lần... Liệu các trường hợp đó có phải là táo bón hay không? Xin thưa là... không! Nếu bé 4 - 5 ngày mới đi tiêu nhưng phân vẫn mềm, tơi xốp thì không gọi là táo bón. Tương tự, bé ngày càng lớn thì số lần đi tiêu trong ngày càng giảm đi cũng là hiện tượng sinh lý bình thường.
Táo bón là khi bé đi tiêu thưa thớt (dưới 3 lần/tuần) kèm đi tiêu khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn...). Ước tính hầu như bé nào cũng có ít nhất 1 lần bị táo bón, song chỉ thoáng qua rồi hết. Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần được gọi là táo bón mạn tính và cần những sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt đến trấn an tâm lý và sử dụng thuốc.
Biếng ăn, chậm tăng cân, són phân là triệu chứng táo bón ở trẻ em (Ảnh: Internet)
Tuổi nào ở trẻ em thường mắc táo bón?
Có 3 thời điểm táo bón dễ xảy ra với các bé: 1. Lúc chuyển từ chế độ ăn lỏng sang đặc (ăn dặm); 2. Khi bé tập ngồi bô một mình (tuổi biết đi); 3. Lúc bé bắt đầu đến trường (mẫu giáo, tiểu học).
Làm sao nhận biết bé bị táo bón?
Ngoài việc đếm số lần đi tiêu trong 1 tuần và xem tính chất phân như đã nói ở trên, các bé bị táo bón còn có nhiều biểu hiện khác, đôi khi bị lầm với các rối loạn khác. Bé có thể biểu hiện chướng bụng, đau bụng hoặc biếng ăn, chậm lên cân. Đôi khi, có bé lại bị chẩn đoán nhầm là tiêu chảy vì phụ huynh tình cờ phát hiện có ít phân lỏng dính ở đáy quần của con mà bé hoàn toàn không hay biết (triệu chứng này gọi là són phân hay ị đùn - là một biểu hiện của tình trạng táo bón kéo dài). Ngoài ra, một số bé có biểu hiện 'nín nhịn', không chịu đi tiêu như ngồi xổm, gồng cứng người, bắt chéo 2 chân, hay đỏ mặt hoặc bấu chặt vào cha, mẹ...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!