Đau mạn tính

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh đau mạn tính Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Định nghĩa

Định nghĩa

Đau thường là do chấn thương và bệnh tật, đặc biệt là do các bệnh về cơ xương. Nó có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, công việc, các mối quan hệ của bạn với gia đình hằng ngày. Điều trị nguyên nhân chính gây ra đau được xem là yếu tố quan trọng để giảm đau. Nhưng đôi khi việc giảm đau còn quan trọng hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Đau mạn tính là gì?

Đau mạn tính là loại đau do mô bị tổn thương liên tục và có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Các nguyên nhân thường gặp nhất là viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, đau nửa đầu, viêm gân và hội chứng ống cổ tay.

Đau mạn tính khác với đau cấp tính. Đau cấp tính là một cảm giác đau xuất hiện chỉ trong một thời gian ngắn có vai trò cảnh báo cho chúng ta biết là cơ thể đang gặp phải nguy hiểm. Đau mãn tính là cơn đau kéo dài hơn 3 tháng. Hệ thống thần kinh của bạn nhận được tín hiệu đau liên tục trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm.

Đôi khi, cơn đau ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn, gây mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém, dễ bị kích thích, trầm cảm, thay đổi tâm trạng, lo âu, mệt mỏi và mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày. Bởi vì sức khỏe tâm thần và thể chất có mối liên quan với nhau, vì vậy các phương pháp điều trị cho bệnh đau bao gồm giảm đau cũng như điều trị các rối loạn tâm lý do đau gây ra.

Làm thế nào để đo mức độ đau đớn?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có một “thang đau” và chia những cơn đau ra theo ba cấp độ: nhẹ, vừa và nặng.

  • Đau nhẹ: đau nhẹ có thể tự hết mà không cần phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng một ít thuốc giảm đau nhẹ để làm cho cơn đau giảm nhanh hơn.
  • Đau vừa phải: đau vừa phải là cơn đau nhiều hơn đau nhẹ. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nó liên tục làm phiền bạn và có thể cần thuốc mạnh hơn để điều trị các cơn đau. Tuy nhiên nó biến mất sau một thời gian và không quay trở lại sau khi đã được điều trị.
  • Đau nặng: đau nặng được định nghĩa là đau làm ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Một số người có thể bị liệt giường do quá đau. Thông thường, cơn đau này sẽ không tự hết, và điều trị cần phải liên tục trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, hoặc nhiều năm.

Tại sao bạn nên quan tâm về bệnh đau mạn tính?

Cơn đau thường sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hạn chế sự vận động, làm giảm tính linh hoạt, sức mạnh và sức chịu đựng. Ước tính có khoảng 20% người Mỹ trưởng thành (42 triệu người) báo cáo rằng đau làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ một vài đêm một tuần hoặc nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý khác như trầm cảm hoặc mất ngủ.

Chẩn đoán và điều trị chứng đau mạn tính sẽ tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.

Mặc dù có nhiều phương pháp để giảm đau, nhưng nghiên cứu cho thấy 50 – 75% bệnh nhân chết trong cơn đau vừa đến nặng.

Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng và dấu hiệu

Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh đau mạn tính là gì?

Đau mạn tính thường được định nghĩa là bất kỳ cơn đau nào kéo dài hơn 12 tuần. Cơn đau có thể được mô tả như sau:

  • Đau nhẹ hoặc nặng;
  • Đau như dao đâm, rát, hoặc đau như một luồng điện chạy dọc qua một phần hoặc toàn bộ cơ thể;
  • Đau gây khó chịu, đau nhức, đau thắt, hay đau gây co cứng.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh đau mạn tính là gì?

Đau mạn tính có nhiều nguyên nhân. Đau thường đi kèm với tuổi tác. Khi bạn già đi, các tế bào của bạn bắt đầu bị phá vỡ và tổn thương. Thường thì những tổn thương xảy ra trong xương và khớp đầu tiên. Các tế bào thần kinh cũng bị phá vỡ và có thể dẫn đến đau mạn tính.

Một số loại đau mạn tính là do những thói quen không lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như bạn lao động và học tập không đúng tư thế, nâng vật nặng thường xuyên, thừa cân, hoặc chấn thương.

Một số căn bệnh cũng có thể là nguyên nhân gây đau mãn tính, như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp và đau xơ cơ. Đau kéo dài cũng có thể là do ung thư, bệnh đa xơ cứng, viêm loét dạ dày, bệnh túi mật.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguồn gốc của đau mạn tính có thể rất phức tạp. Ví dụ ban đầu đau có thể là do một nguyên nhân thực thể nào đó ví dụ như khối u hoặc chấn thương, nhưng nếu kéo dài cơn đau sẽ chuyển sang là do vấn đề về tâm lý, và nó sẽ không hết ngay cả khi các tổn thương thực thể đã lành. Điều này làm cho việc điều trị khó khăn hơn.

Nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ mắc bệnh

Những ai có nguy cơ mắc bệnh đau mạn tính?

Có một số yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc phải cơn đau mạn tính, bao gồm:

  • Người lớn tuổi thường bị đau do bệnh thoái hóa và các bệnh khác;
  • Một số bệnh di truyền có thể gây đau. Ví dụ như đau nửa đầu;
  • Người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha có nguy cơ cao bị đau mạn tính;
  • Những người béo phì thường có sức khỏe kém và dễ bị đau mạn tính;
  • Chấn thương xảy ra ở trẻ em thường dẫn đến đau mạn tính;
  • Một số bệnh tâm thần cũng có thể gây đau, ví dụ như trầm cảm hoặc lo âu;
  • Cấu trúc não bất thường với quá nhiều thụ thể đau có thể làm giảm khả năng chịu đau đớn;
  • Công việc đòi hỏi phải nâng, hạ vật nặng có thể làm tăng nguy cơ đau mạn tính;
  • Hút thuốc làm tăng nguy cơ của nhiều bệnh lý gây đau. Hút thuốc cũng làm cơ thể bạn ít có khả năng đáp ứng với những phương pháp giảm đau.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh đau mạn tính?

Đau mạn tính thường là đau từ các cơ quan nội tạng. Cơn đau từ cơ quan nội tạng thường khó xác định hơn là đau đớn do các nguyên nhân từ bên ngoài. Hơn nữa, khả năng chịu đau của người bệnh làm cho việc chẩn đoán rất khó khăn. Bác sĩ sẽ dựa vào các bệnh nhân mô tả đau.

Mô tả này sẽ giúp bác sĩ đánh giá cơn đau và tìm ra cách điều trị tốt nhất. Điều trị đau cần có một đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp và bạn cần phải liên hệ với đội ngũ bác sĩ này thường xuyên trong quá trình điều trị để cho kết quả tốt nhất. Gia đình và bạn bè của bạn là một phần trong quá trình điều trị.

Bạn có thể hỏi bác sĩ về những vấn đề ảnh hưởng đến cơn đau của bạn như việc tập thể dục và mua sắm.

Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để xem tình trạng của bạn có đỡ hơn hay không là xem thử bạn có thể làm được những việc mà trước đây bạn không thể làm được do đau hay không.

Bác sĩ cũng sẽ khám bệnh, và có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc X-quang. Các thử nghiệm được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân của cơn đau có thể bao gồm:

  • Chụp CT hay CAT;
  • MRI;
  • Chụp cột sống;
  • Chụp hình tủy sống;
  • Điện cơ;
  • Xạ hình xương;
  • Siêu âm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh đau mạn tính?

Mục đích của điều trị là làm giảm đau và cải thiện chức năng, để bệnh nhân có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động thường ngày. Sau đây là những phương pháp điều trị thường được dùng:

  • Các thuốc như thuốc giảm đau và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), paracetamol, corticosteroid, và thuốc chống co giật;
  • Châm cứu, kích thích điện hoặc phẫu thuật;
  • Tâm lý, liệu pháp thư giãn, phản hồi sinh học, và thay đổi hành vi;
  • Châm cứu, thiền định, các liệu pháp mát-xa và trị liệu tương tự;
  • Ngủ đủ giấc, sống tích cực, năng động và tham gia vào các hoạt động gia đình.

Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh đau mạn tính là gì?

Đau mạn tính có thể dẫn đến một số biến chứng bao gồm:

  • Lo âu;
  • Phiền muộn;
  • Không thể làm việc hằng ngày do đau;
  • Phụ thuộc vào thuốc giảm đau;
  • Khó tìm việc làm;
  • Khó khăn về tài chính do bị mất việc hoặc tiền phí khám và điều trị;
  • Thiếu ngủ;
  • Giảm tập trung và trí nhớ;
  • Các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng, chẳng hạn như nhức đầu, trào ngược và khó tiêu, tiêu chảy, tăng huyết áp;
  • Không đủ sức giúp đỡ người thân việc trong gia đình;
  • Cảm thấy bị lạc lõng trong cuộc sống, sống mất mục đích.
  • Nếu cơn đau của bạn đang gây ra bất kỳ biến chứng ở trên, bạn nên gặp bác sĩ để được giúp đỡ. Bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả để giúp làm giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh đau mạn tính?

Thậm chí nếu bạn không thể chữa lành nguyên nhân gây ra đau mạn tính, bạn vẫn có nhiều cách khác nhau để làm giảm đau. Có thể bạn chưa biết nhưng việc suy nghĩ lạc quan sẽ làm giảm đau nhiều hơn. Sau đây là những gợi ý cho bạn:

  • Ăn và tập thể dục để đạt được cân nặng hợp lý và thể hình cân đối;
  • Từ bỏ hút thuốc;
  • Tránh căng thẳng bằng cách tập thể dục, dành thời gian ngồi thiền;
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn bị trầm cảm hoặc lo âu;
  • Sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động để hạn chế nguy cơ chấn thương tại nơi làm việc.

Việc điều trị dứt các cơn đau mãn tính không phải lúc nào cũng thành công. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện các lời khuyên ở trên cùng với việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể thực hiện nhiều hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày hơn so với trước đây.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hoặc phương pháp điều trị.

Review Date: July 25, 2016 | Last Modified: July 25, 2016

Nguồn tham khảo

Chronic Pain: Symptoms, Diagnosis, & Treatment. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/magazine/issues/spring11/articles/spring11pg5-6.html Ngày truy cập 25/02/2016

Chronic Pain. http://www.emedicinehealth.com/chronic_pain/article_em.htm Ngày truy cập 25/02/2016

AAPM Facts and Figures on Pain. http://www.painmed.org/patientcenter/facts_on_pain.aspx#chronic Ngày truy cập 25/02/2016

Pain Management Health Center. http://www.webmd.com/pain-management/guide/pain-management-overview-facts Ngày truy cập 25/02/2016

Know Your Risk for Chronic Pain. http://www.everydayhealth.com/pain-management/know-your-risk-for-chronic-pain.aspx Ngày truy cập 25/02/2016

Understanding Chronic Pain. http://www.instituteforchronicpain.org/understanding-chronic-pain/complications Ngày truy cập 25/02/2016

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!