Dạy con ngoan giỏi nhờ mẹ khôn khéo

Sống khỏe mạnh - 09/30/2024

Khi các bé gặp phải chuyện buồn hay thất bại, bạn hãy mạnh mẽ, luôn bên cạnh động viên con không bỏ cuộc.

1. Các bà mẹ hãy tự nhắc nhở bản thân mình: Bỏ lại ngoài cửa những chuyện không vui, những điều buồn bực ở công ty để về nhà làm một người mẹ tốt. Các bé đương nhiên sẽ thích mẹ vui vẻ, hay cười với chúng hơn là nhăn nhó và cáu gắt. Đừng đem những cảm xúc tiêu cực trút lên bé con ngây thơ của bạn.

2. Khi các bé hớn hở khoe với mẹ rằng hôm nay trên lớp con được phiếu bé ngoan hay điểm chín, điểm mười, thì dù bạn đang bận cũng không nên tỏ ra bị làm phiền hay lờ đi lời nói của bé. Hãy vui vẻ ôm bé vào lòng và khen ngợi bé. Cách tốt nhất là bạn hãy nói: ‘Giỏi quá! Con có thể cho mẹ xem được không?’ Hãy cùng chia sẻ niềm vui này với bé, những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi này lại rất quan trọng với bé.

3. Khi bé hỏi bạn: ‘Mẹ ơi, chữ này nghĩa là gì?’, tốt nhất bạn đừng ngay lập tức trả lời và tuyệt đối không được trách móc bé vì những gì bé không biết. Lúc này, các bà mẹ hãy giả vờ nhìn một lúc, sau đó mới nói: ‘Mẹ cũng không biết nữa, mẹ con mình cùng tra từ điển nhé?’ Sau vài lần như thế, các mẹ có đã có thể dạy cho con mình cách tra từ điển. Hơn nữa, khi bé tra từ điển và tìm ra được câu trả lời, cảm giác thỏa mãn sẽ kích thích tính ham học hỏi của trẻ, dần dần bé sẽ hình thành nên thói quen đọc sách, tìm hiểu kiến thức và không còn ỷ lại vào mẹ.

Dạy con ngoan giỏi nhờ mẹ khôn khéo

Mẹ nên động viên, chia sẻ cùng con để khuyến khích con học tập (Ảnh: Internet)

4. Khi bé đem những thắc mắc ngô nghê ra hỏi, các bà mẹ cũng không nên tỏ ra quá tài giỏi, việc gì cũng có thể trả lời cho con. Đôi lúc, giả vờ không biết cũng là một cách hay để động viên trẻ suy nghĩ, từ đó tự mình giải quyết được các vấn đề. Bạn có thể hướng dẫn bé làm thế nào để tìm ra lời giải đáp. Nếu chuyện gì bạn cũng làm giúp trẻ thì về lâu dài, rất có thể sẽ khiến bé cảm thấy tự ti, không tin tưởng vào khả năng của mình.

5. Bé về nhà và kể với mẹ rằng hôm nay làm bài kiểm tra trên lớp không tốt, sợ mẹ trách phạt. Lúc này bạn đừng nổi nóng hay sa sầm nét mặt, bé vẫn đang quan sát bạn đấy. Tốt nhất là giữ bình tĩnh, coi như không có chuyện gì xảy ra, cùng bé xem lại sách vở để tìm ra lỗi sai. Nếu bé đã hiểu ra mình sai ở đâu, thì bạn cũng không nên nói lại vấn đề nữa. Nhưng sau đó hãy nhớ khen bé thế này nhé: ‘Xem này, bây giờ con đã hiểu ra chỗ sai rồi, lần sau sẽ không mắc lỗi nữa’. Tuy nhiên cũng có lúc bạn cảm thấy không thể bình tĩnh được sau khi nghe bé nói về điểm số ở trường, lúc đó hãy đi rửa mặt, hít thở sâu để kiềm chế cơn giận rồi hãy ra nói chuyện với bé.

6. Trước khi kiểm tra hay phải làm một việc gì đó quan trọng, các bé thường hay lo lắng ra mặt. Một số bà mẹ bỏ qua những cảm xúc đó của trẻ, có người còn tỏ ra sốt ruột hơn. Làm như vậy sẽ tạo thêm áp lực cho bé, dễ khiến bé mất bình tĩnh và không thể phát huy hết khả năng của mình. Cách giải quyết lúc này là bạn hãy nhẹ nhàng nói với bé rằng: ‘Dù kết quả có ra sao, ba mẹ cũng không trách con đâu. Vậy nên đừng lo lắng và hãy cố gắng hết sức mình nhé con yêu’. Những lời động viên, khích lệ đúng lúc sẽ giúp bé tự tin hơn. Khi áp lực tâm lý được gỡ bỏ, chưa biết chừng, bé còn đạt kết quả cao hơn mọi khi.

7. Khi các bé gặp phải chuyện buồn hay thất bại, bạn hãy tỏ ra kiên cường, động viên bé đừng bỏ cuộc. Hãy nói với trẻ rằng thất bại chỉ là nhất thời, nó không có nghĩa là sau này bé sẽ không thành công. Trên thực tế cho thấy, khi trẻ còn chưa có ý định bỏ cuộc, nhiều cha mẹ đã tỏ ra ngán ngẩm và thất vọng, thậm chí trách móc và đem cả những lỗi sai cũ của bé ra chỉ trích. Điều này vô cùng bất lợi cho quá trình trưởng thành của bé, mài mòn ý chí phấn đấu, theo đuổi ước mơ của trẻ và rất có thể sẽ tạo ra những điều hối tiếc sau này.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!