Dạy con tự lập bằng cách cho đi du lịch xuyên Việt

Nuôi dạy con - 09/30/2024

Muốn con tự lập, anh Phạm Tấn Phát, 34 tuổi, đưa con đi phượt từ nhỏ. Với anh, mỗi chuyến đi là bài học giúp con trai trưởng thành và bản lĩnh hơn.

Gặp nhiều trắc trở trong hôn nhân, người đàn ông tự nhận mình 'bệ rạc' chia sẻ gia đình anh không được 'tròn trịa' khi con trai và vợ ở một nơi, còn anh sống một ngả. Dù đã ly hôn, anh Phát, hiện làm ở một viện hàn lâm khoa học kiêm thợ sửa máy ảnh, luôn cố gắng gần gũi để con nhận được đầy đủ tình yêu lẫn sự giáo dục của bố mẹ. Anh cho biết mẹ bé sẽ chăm sóc, quan tâm về sức khỏe, học hành, còn bố rèn ý thức và tính tự lập.

Đủ điều kiện kinh tế, anh Phát bắt đầu phá vỡ vỏ bọc bấy lâu quanh con để đưa cậu bé bước ra thế giới bên ngoài bằng những chuyến phượt. Hơn 5 tuổi, Phạm Thành Đồng bắt đầu đồng hành cùng bố trên mọi cung đường. Tới giờ, cậu bé 8 tuổi đã đi qua hơn 40 tỉnh thành trên dải đất hình chữ S.

Dạy con tự lập bằng cách cho đi du lịch xuyên Việt

Bố con anh Phát trong chuyến chinh phục cung Hà Nội- Bắc Giang-Thái Nguyên (Ảnh: NVCC)

Hành trình phượt xuyên Việt của hai bố con

Hai bố con đi bằng ôtô riêng. Chiếc xe như một ngôi nhà di động có đủ đồ ăn khô, trái cây, quần áo và nước uống. Trên xe có hộp lạnh, anh Phát cất đồ uống và thuốc men phòng trừ con ốm. Trước khi đi, anh hỏi kinh nghiệm của bạn bè để biết cách xử lý sự cố và xác định 'bán sắt vụn' chiếc xe cũ kỹ nếu hỏng dọc đường.

Chuyến phượt đầu tiên của anh Phát và con trai kéo dài 10 ngày, từ Hà Nội vào Quy Nhơn. Do không quen đi đường dài, Đồng bị say xe và ngủ suốt. Trời mưa tầm tã, ôtô của họ bị hỏng ở đoạn rẽ vào Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình, lúc nửa đêm. Trong đêm tối, hai bố con phải đội ô xuống sửa xe. Lần ấy, cậu bé sợ hãi và chẳng mấy thích thú.

Sau chuyến phượt đầu đầy gian nan, Đồng dần quen với những cung đường, những lần bố con ngủ trong ô tô vì không có nhà nghỉ. Chuyến trải nghiệm của bố và con trai giống như một khóa tu tập, hơn là đi hưởng thụ, vì cậu bé chỉ thích ăn cơm trắng với canh rau, không thịt, cá.

Dạy con tự lập bằng cách cho đi du lịch xuyên Việt

Bố con anh Phát trong chuyến vào Đà Lạt (Ảnh: NVCC)

Anh Phát cho hay sự cố dọc đường vừa là trở ngại vừa giúp bố con anh thêm gắn kết. Đi với con, anh nhận ra có những thứ không mua được bằng tiền, đó là tình cảm và suy nghĩ của cậu bé. Thấy bố mệt, 'phượt thủ nhí' ru bố ngủ trên võng và giẫm chân lên lưng. Đêm xuống, bố con ôm nhau trò chuyện về những điều gặp trên đường. Những lúc như vậy, Đồng thổ lộ muốn bố mẹ quay về với nhau.

'Tôi bảo bố mẹ không hợp nên chia tay. Cần phải giải thích, nếu không trong đầu đứa trẻ sẽ hình thành ý thức xấu, hận bố hoặc mẹ vì bỏ nó. Thấy tôi nói vậy, thằng bé không thắc mắc nữa', anh Phát kể.

Hai bố con từng đối mặt giữa sự sống và cái chết khi đi trên cung đường không ai dám mạo hiểm.

'Tôi hỏi 'cu muốn sống hay muốn chết?' và thằng bé trả lời 'con muốn đi với bố, cùng sống hoặc cùng chết', anh Phát kể.

Trải nghiệm đáng sợ nhất của bố con Đồng là lần có vong đi nhờ xe khi họ lạc qua nhà tù Kon Tum trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người đi nhờ là một chú bộ đội hy sinh không tìm thấy xác. Sau vài ba câu chuyện, bất chợt quay lại họ đã không thấy người này đâu nữa. Đồng vốn nhát chết và sợ ma nhưng khi nghe bố giảng giải ai rồi cũng phải thành ma nên cậu không sợ nữa. Có lần, Đồng đứng một mình giữa đêm tối, soi đèn giúp bố lái xe. Sau khi vượt qua đoạn đường khó, anh Phát mới quay lại đón con.

Những chuyến phượt của hai bố con trở thành giờ học ngoại khóa cho cậu bé. Trên xe, Đồng được bố dạy về ô tô, hoạt động và tính năng của từng bộ phận. Ngoài ra, cậu còn được thực hành từ vựng tiếng Anh, cách diễn đạt câu đơn giản khi tiếp xúc với người nước ngoài. Trong trường hợp bố gặp vấn đề trên đường, không tìm được người bản địa mà chỉ gặp Tây, cậu bé sẽ biết cách hỏi và nhờ giúp đỡ.

Không ít lần Đồng bị ốm dọc đường, nhưng nhờ có kinh nghiệm chăm con nhỏ nên ông bố này có thể dễ dàng xử lý.

'Dùng viên thuốc hình viên đạn nhét vào hậu môn khi con sốt. Tuyệt đối không để co giật. Quan sát đôi mắt, thấy lờ đờ là phải sờ tay lên trán, cặp nhiệt độ cho cu cậu', anh Phát chia sẻ.

Nhắc tới con, ông bố này cho biết Đồng sống đơn giản, không đòi hỏi. Khác những đứa trẻ cùng trang lứa, Đồng nghiên cứu phật pháp, tâm linh, ham đọc sách và chụp ảnh. Cậu bé thích mày mò, tháo lắp giống bố, một ông thợ sửa chữa.

Dạy con tự lập bằng cách cho đi du lịch xuyên Việt

Đồng thích thú khi được cùng bố cưỡi voi ở bản Đôn (Ảnh: NVCC)

Bố con Đồng từng bị người xung quanh chê hâm, còn gia đình kêu tốn kém khi mỗi lần phượt, chi phí trên đường đã là 25 - 30 triệu, chưa kể tiền bảo dưỡng xe. Anh Phát khuyên những phụ huynh thích cho trẻ đi phượt nên 'kiếm thật nhiều tiền'. Anh lý giải khi đi tàu, máy bay hay xe khách, rủi ro được gán với người đồng hành, còn đi bằng xe riêng, trong túi phải có tiền mới giải quyết được nhiều việc trên đường.

'Tôi cảm nhận rõ ràng sự trưởng thành và chững chạc của con trai sau những chuyến đi. Đồng biết tự đi vệ sinh và tắm giặt, khác với trước phải nhờ mẹ hay người thân. Cháu quan tâm bố và chăm sóc mẹ nhiều hơn. Hôm vừa rồi gặp con, thằng bé nhắn nhủ 'đi tiếp bố nhé'', anh Phát nói.

Sau khi đi hết các tỉnh đông bắc và tây bắc, sắp tới, bố con Đồng định sẽ chinh phục miền đông và tây Nam Bộ. Với anh, cuộc đời sẽ trải qua những ván cờ định mệnh như con đường, lúc thẳng tắp, khi lại ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, anh luôn dạy con 'cầu hoà chứ không được thắng'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!