Để bé không tự ti vì đái dầm

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Các bậc phụ huynh luôn tìm cách giải quyết vấn đề bé đái dầm. Hello Bacsi thấu hiểu được nỗi lo đấy và đưa ra các biện pháp giúp bé không còn tự ti nữa.

Các bậc phụ huynh luôn tìm cách giải quyết vấn đề đái dầm của con mình nhưng hầu như khá vô vọng. Mọi người chỉ chú tâm tìm kiếm cách để bé ngưng đái dầm nhưng lại quên đi một điều quan trọng hơn, đó là tâm lý của bé bị mắc chứng đái dầm. Bé bị đái dầm thường cảm thấy xấu hổ về bản thân mình, điều này có thể làm giảm đi sự tự tin của bé về sau. Là một bậc phụ huynh có con bị đái dầm, có lẽ bạn nên chuyển mối quan tâm của mình sang việc làm thế nào để ổn định tâm lý của bé bị đái dầm.

1. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa

Nhiều bé sẽ tự hết đái dầm khi đến 6 tuổi mà không cần điều trị gì cả. Tuy nhiên nếu bé lớn hơn 6 tuổi mà vẫn còn đái dầm thì bạn nên tới gặp bác sĩ nhi khoa để nhờ tư vấn. Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để tìm ra những bất thường có thể gây nên vấn đề đái dầm của bé và giúp bé cảm thấy khá hơn về vấn đề đái dầm của mình.

Đôi khi, nếu bé biết rằng đái dầm là một bệnh lý có thể điều trị được thì bé sẽ cảm thấy bớt tự ti hơn. Bạn và bé có thể thảo luận với nhau về đái dầm cũng đơn giản như khi nói về viêm họng hay trật mắt cá vậy.

2. Hãy nói với bé rằng đái dầm không phải là một chuyện gì to tát

Bạn càng tập trung vào việc làm sao để con hết đái dầm thì nó sẽ càng trở thành một vấn đề lớn với con. Thay vì phải băn khoăn tìm cách điều trị để bé hết đái dầm, bạn hãy tìm cách giải thích cho bé biết đái dầm không phải là một vấn đề gì to tát và đó không phải là lỗi của bé. Đôi khi, đó là một vấn đề về di truyền, bạn cũng có thể gặp một gia đình có cha và chú/dì của bé cũng bị đái dầm.

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Không nên quá quan trọng hoá vấn đề về tiểu đêm của bé, hãy nói với bé rằng đó không phải là lỗi của bé và chuyện đó sẽ khá hơn theo thời gian”.

3. Không nên bực tức khi bé đái dầm

Khi bé đái dầm, bé sẽ cảm thấy cực kì xấu hổ về chuyện đó, và dù bạn tin hay không, việc đó không nằm trong tầm kiểm soát của bé. Khi phát hiện ra chiếc nệm bị ướt, bạn có thể sẽ rất bực tức, nhưng, hãy kiềm chế và có một thái độ tích cực. Thực tế, nếu bạn phạt bé vì tội đái dầm, điều đó sẽ làm vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn và làm tổn thương tình cảm giữa bạn và bé. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích bé và nói với bé rằng chuyện này sẽ sớm qua đi và bé hoàn toàn có thể vượt qua được.

4. Giúp bé dễ dàng đi vệ sinh vào buổi tối

Hãy giúp bé dễ dàng tìm được phòng vệ sinh và sử dụng nó vào buổi tối. Nếu bé sợ bóng tối, hãy sử dụng đèn ngủ ở hành lang và phòng vệ sinh để bé đỡ sợ hơn khi đi vào ban đêm.

Để giúp bé sử dụng phòng vệ sinh vào buổi tối, bạn nên tập thói quen dậy vào ban đêm cho bé, có thể bằng cách đánh thức trẻ dậy để đi vệ sinh trong vài đêm đầu tiên và giúp bé duy trì thói quen này.

5. Khuyến khích bé tự dọn dẹp giường

Mặc dù không nên nhấn mạnh đến vấn đề đái dầm, bạn cũng không nên bỏ qua nó hoàn toàn. Hãy tập cho bé một thái độ tích cực với chuyện đái dầm và khuyến khích bé tự dọn dẹp làm khô giường, nệm nếu bé đã đủ lớn. Bạn cũng có thể sử dụng những miếng thấm hút ở dưới drap nệm, vào buổi sáng hoặc giữa đêm, khi miếng thấm hút bị ướt, bé chỉ cần thay thế một miếng mới vào, đơn giản hoá việc dọn dẹp giường, thật tuyệt phải không nào!

Trên đây là những mẹo nhỏ giúp bạn ổn định tâm lý của bé bị đái dầm. Hãy khuyến khích bé và để bé tự giải quyết vấn đề theo một cách nhẹ nhàng nhất bạn nhé.

Bạn có thể quan tâm

Ban đỏ ở trẻ em là gì?

Lồng ruột ở trẻ em là bệnh gì?

Chế độ ăn uống và bệnh tiêu chảy ở trẻ em.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!