Để cơ cấu dân số là 'vàng mười', con người cần phát triển toàn diện

Thời sự - 11/24/2024

Theo GS Phạm Tất Dong, dân số tăng nhưng chiến lược phát triển con người chưa thực sự chú trọng vào nhân lực (đối tượng sau khi tốt nghiệp THPT) mà mới chỉ chú trọng ở phần nguồn nhân lực (học sinh dưới cấp bậc THPT). Điều này không có nhiều ý nghĩa trong việc tạo ra cơ cấu dân số 'vàng' về chất lượng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề cơ cấu dân số 'vàng', GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, dân số Việt Nam đang đạt ở mức cơ cấu dân số 'vàng' về số lượng. Nghĩa là độ tuổi lao động từ 15 – 64 tuổi đang 'chiếm ưu thế' đến khoảng 66% tổng dân số.

Để cơ cấu dân số là 'vàng mười', con người cần phát triển toàn diện

Theo GS Phạm Tất Dong, dân số tăng nhưng chiến lược phát triển con người chưa thực sự chú trọng vào nhân lực (đối tượng sau khi tốt nghiệp THPT) mà mới chỉ chú trọng ở phần nguồn nhân lực (học sinh dưới cấp bậc THPT). Ảnh minh hoạ

GS Phạm Tất Dong cho biết, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu về nâng cao chất lượng nhân lực, lao động. Những yêu cầu, mục tiêu đó đã được cụ thể hoá tại Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về 'Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện kết luận số 49-KL/TƯ ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó có 8 đề án về xây dựng xã hội học tập, công dân học tập…; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt 'chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030'…

'Mặc dù cơ cấu dân số đang ở giai đoạn 'vàng' nhưng chiến lược phát triển con người còn nhiều vấn đề phải bàn. Bởi chúng ta đang 'lẫn lộn' về nguồn nhân lực (đối tượng mẫu giáo đến THPT) và nhân lực (sau THPT) và hiện nay, chúng ta chỉ đang lo nguồn nhân lực chứ chưa thực sự chú trọng đến nhân lực', GS Phạm Tất Dong cho hay.

Để cơ cấu dân số là 'vàng mười', con người cần phát triển toàn diện

Theo GS Phạm Tất Dong, con người phải phát triển toàn diện trong giai đoạn phát triển hiện nay thì mới thực sự là dân số ở giai đoạn cơ cấu 'vàng' về cả số lượng lẫn chất lượng. Ảnh minh hoạ

GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: 'Chúng tôi đã có nhiều ý kiến, tham luận về việc phải ưu tiên phát triển nhân lực, đặc biệt là đối tượng sinh viên trở lên. Bởi dù người lớn ở trình độ nào thì cũng phải đạt tới được trình độ đại học để cần thiết cho nghề nghiệp của họ. Đó mới là nâng cao chất lượng nhân lực, nâng cao chất lượng dân số vàng.

Ví dụ làm mô hình phát triển kinh tế gia đình như nuôi cá ba sa, cá tầm hay cá hồi… thì chính người làm phải có những kiến thức về công nghệ nuôi, nuôi giống, tính toán hiệu quả kinh tế… Những vấn đề này chỉ có trong giáo trình đại học chứ trong môi trường THPT không thể có được. Hoặc là người nông dân muốn chế tạo máy tuốt lúa thì phải học được cách tạo các module (mô-đun) phù hợp với các loại máy tuốt lúa, trên cơ sở đó thì cải tiến cho phù hợp với địa phương… và chắc chắn, những kiến thức này không hề có ở sách vở học sinh phổ thông.

Đặc biệt là trong những năm tới, khi Internet băng thông phủ 100% xã trên cả nước thì bắt buộc người dân phải biết sử dụng các thiết bị thông minh, phải biết khai thác Internet, thậm chí là phải đáp ứng được yêu cầu về các văn bản số hoá, thủ tục hành chính số hoá…

GS Phạm Tất Dong cho rằng, để làm được điều này thì con người phải là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia, nghĩa là con người phải phát triển toàn diện trong giai đoạn phát triển hiện nay thì mới thực sự là dân số ở giai đoạn cơ cấu 'vàng' về cả số lượng lẫn chất lượng.

Liên quan đến vấn đề dân số 'vàng', trao đổi với PV báo GĐXH, PGS.TS Lưu Bích Ngọc – Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho rằng, không cần phải bằng con số cụ thể để chứng minh cũng thấy tầm vóc và thể lực của học sinh và thanh niên Việt Nam còn thua kém so với các bạn đồng trang lứa ở các nước trong khu vực chứ chưa nói đến tầm thế giới. Do vậy, việc đưa các nội dung nâng cao chất lượng dân số vào nhà trường là rất cần thiết. Nó được thực hiện cả ở góc độ tác động trực tiếp lẫn góc độ tác động gián tiếp.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho biết: 'Thể chất của học sinh, sinh viên được cải thiện nhờ những chương trình dinh dưỡng như phòng chống suy dinh dưỡng học đường, sữa học đường hay những chương trình luyện tập giáo dục thể chất ở từng lớp học, cấp học. Giáo dục lồng ghép về phương thức chăm sóc sức khoẻ trong chương trình từng lớp học, cấp học sẽ là những can thiệp gián tiếp tác động giúp cải thiện chất lượng dân số'.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh: 'Với mỗi lớp học, cấp bậc học khác nhau, các nội dung chăm sóc sức khoẻ được đưa vào phù hợp. Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân.

Với học sinh lớp nhỏ, đó là vệ sinh thân thể, dinh dưỡng với học sinh lớp lớn là luyện tập thể thao, chăm sóc sức khoẻ sinh sản rồi tiến tới cả tư vấn về khám sức khoẻ tiền hôn nhân – chuẩn bị hành trang và kỹ năng cho các em sau khi rời ghế nhà trường. Đây sẽ là tiền đề cho một nguồn nhân lực 'vàng' về chất lượng'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!