Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra đợt rét hại trên diện rộng. Đặc biệt ngày 24/1, đã xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao, nhiệt độ xuống mức thấp nhất 40 năm qua.
Do đó, chúng ta cần phải có những biện pháp để tránh các tổn thương nguy hiểm do lạnh.
Trời mưa khiến thời tiết Hà Nội hiện rất giá buốt (Ảnh: Tiến Tuấn)
Những biện pháp chung
Mang theo bộ sơ cấp cứu để phòng trường hợp bạn đi đến vùng hẻo lánh mà ở đó thời tiết có thể trở lạnh, có mưa hoặc có gió lớn.
Mũ đội đầu để che mưa và gió nếu bạn bị ướt hoặc lạnh.
Tránh vận động nhiều để vã mồ hôi. Mồ hôi bay hơi làm tăng mất nhiệt nên bạn có thể bị tổn thương do lạnh.
Tránh chạm vào đồ kim loại, đặc biệt là khi tay ướt, vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy lạnh hơn và có thể gây ra bỏng lạnh.
Dinh dưỡng mùa lạnh
Ăn nhiều thực phẩm để duy trì thân nhiệt. Luôn mang theo đồ ăn giàu calo như kẹo sô cô la, lương khô khi ra ngoài trong thời tiết giá lạnh.
Uống nhiều nước. Mang theo nước khi ra ngoài và uống hàng giờ. Nước tiểu cần trong, không vàng hoặc vàng sậm, đi tiểu với khoảng cách từ 2 đến 3 giờ mỗi lần là bạn đã uống đủ nước.
Thời tiết lạnh giá làm tăng nguy cơ bệnh tật (Ảnh minh họa: Internet)
Không uống đồ uống có cồn vì cồn làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt; gây rối loạn nhận thức khiến người uống không nhận thức được trời lạnh hơn để mặc thêm áo ấm; làm giãn mạch dưới da, tăng mất nhiệt và ức chế hệ thần kinh làm giảm cảm giác rét.
Không dùng caffeine, không hút thuốc khi trời lạnh. Nicotin (trong thuốc lá) và caffeine làm co mạch máu ở bàn tay và bàn chân, máu đến các chi giảm khiến chân và tay cảm thấy lạnh hơn.
Trang phục mùa lạnh
Mặc đủ áo ấm và đi giày. Mang thêm áo ấm dự phòng và chăn trong ô tô phòng khi xe nổ lốp hoặc đi vào vùng hẻo lánh. Biết càng nhiều cách phòng chống mất nhiệt, bạn càng tự bảo vệ được mình khỏi bị tổn thương do lạnh.
Giữ chân và tay luôn khô ráo. Đeo bao tay có ngón thay vì bao tay cả bàn. Đi tất để giữ ấm và giữ ẩm cho da.
Đeo kính để che chắn cho mắt khỏi gió và lạnh nếu bạn định đi ra ngoài.
Cách phòng tránh cho trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ thường không chú ý khi trời rét. Bố mẹ cần biết các cách hạn chế mất nhiệt cho con như hạn chế thời gian cho con chơi ngoài trời rét, có mưa hoặc có gió; mặc ấm cho con.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động bởi thời tiết lạnh (Ảnh minh họa: Internet)
- Đội mũ kín đầu, che kín cổ và mặt hết mức cho trẻ vì những vùng này hay mất nhiệt nhất, ngoài ra những vùng này cũng dễ bị buốt hoặc giá. Bôi son nẻ dưỡng môi.
- Hoạt động nhiều cũng có thể gây ra vã mồ hôi ở trẻ và tổn thương do lạnh nhanh chóng. Mồ hôi làm quần áo trẻ dính nhớp nháp và làm tăng mất nhiệt.
- Mặc nhiều lớp áo giúp giữ ấm trẻ và bảo vệ trẻ khỏi thời tiết lạnh và khắc nghiệt
- Luôn giữ cho trẻ khô ráo. Có thể cho trẻ mặc áo chống thấm nước để hạn chế mất nhiệt.
- Luôn theo dõi sát thân nhiệt trẻ kể cả trong mùa hè khi trẻ bơi lâu trong hồ hoặc bể bơi
- Dạy trẻ không chạm vào đồ kim loại lạnh bằng tay trần hoặc liếm đồ kim loại. Kim loại rất dễ truyền nhiệt và làm tăng nguy cơ tổn thương do lạnh cho trẻ, ví dụ như bỏng lạnh. Ngoài ra lưỡi trẻ có thể bị dính vào kim loại và khó gỡ ra.
Người già hoặc ít vận động có thể dự phòng hạ thân nhiệt trong nhà bằng cách mặc ấm và giữ nhiệt độ trong nhà luôn trên 18 độ C (650F).
Bác sĩ Lương Quốc Chính
Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Bạch Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!